Những ngôi chùa cổ ở Vĩnh Long

Chùa cổ ở Vĩnh Long

Sẽ là một điều vô cùng đáng tiếc nếu trong tour du lịch Miền Tây bạn bỏ qua cơ hội khám mảnh đất Vĩnh Long xinh đẹp. Nơi đây không chỉ hấp dẫn du khách bởi những miệt vườn trái cây bạt ngàn, những khu vui chơi giải trí mang đậm đặc trưng vùng sông nước miền Tây mà còn bởi rất nhiều ngôi chùa cổ kính và linh thiêng. Và trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau điểm qua danh sách những ngôi chùa cổ ở Vĩnh Long bạn nên ghé thăm nhé.

>>> Xem ngay: Chùa Vĩnh Long có kiến trúc độc đáo

Mời các bạn xem video Điểm danh những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo ở Vĩnh Long tại đây với tụi mình nhé

Chùa cổ Long An

Ở Vĩnh Long, có rất nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng, trong đó có chùa cổ Long An hay có tên khác là chùa Đồng Đế. Chùa Long An nằm cách trung tâm thị trấn Trà Ôn khoảng 3km. Câu chuyện về xây dựng chùa cũng rất gian nan, khoảng 2 thế kỷ trước thì nơi đây chỉ là đồng hoang, cây dại phủ kín và không có người sinh sống. Đến những năm 1860, có vị tu sĩ từ miền Ngũ Quảng vào rồi khai hoang, lập chùa và qua nhiều đời trụ trì, nhiều lần tu sửa mà có được ngôi chùa như hôm nay.

Tượng Phật trong chùa Long An
Tượng Phật trong chùa Long An

Khi bước vào chùa cổ Long An, bạn sẽ ấn tượng ngay bởi nét cổ kính rêu phong và khung cảnh rất yên bình. Bao quanh là khuôn viên rộng thoáng, có cổ thụ sao đầu dương, bờ tre, khóm trúc, tạo cho chùa một không khí quang đãng, yên tĩnh.

Khi vào chùa, có rất nhiều câu liễn đối sâu sắc và soi sáng tâm hồn mỗi người, tựa như chân lí cuộc đời chỉ đường để mọi người đi đúng hướng, luôn thành tâm hướng lòng mình về Phật….Đi vào trong nhà Tổ là bệ thờ có di ảnh cố Hoà thượng Khánh Anh, Thiện Hoa,…

Tuy chùa đã trải qua biết bao năm tháng, nhưng nơi đây vẫn khoác lên mình nét đẹp riêng, trầm mặc và thanh nhã. Khách đến thăm viếng như không thể quên được tiếng chuông chùa âm vang, đâu đây tiếng tụng kinh của các sư sãi… Những hình ảnh thật bình dị làm cho tâm hồn ta như lạc vào một thế giới riêng.

Chùa Tiên Châu

Đây chính là một ngôi chùa cổ khác ở Vĩnh Long bạn có thể ghé thăm. Chùa Tiên Châu nằm trên cù lao An Bình thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ, đối diện với thị xã Vĩnh Long, bên kia bờ sông Tiền. Được xây dựng từ thế kỷ 19 trên một khu đât rộng, thoáng mát, đây là một ngôi chùa được xem là cổ kính nhất trên vùng đất Vĩnh Long. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Tiên Châu cổ tự vẫn mãi trầm tư bên dòng Cổ Chiên thơ mộng và còn giữ được những nét đẹp cổ kính của mình.

Vẻ đẹp của chùa Tiên Châu
Vẻ đẹp của chùa Tiên Châu

Được Hòa thượng Đức Hội lập vào năm 1899, Chùa Tiên Châu vẫn giữ được nguyên vẹn với bốn nóc: tiền đường, chánh điện, trung đường và hậu tổ. Bộ giàn trò bằng gỗ quý, mái ngói âm dương, xung quanh đóng vách bổ kho.

Các khu vực vừa kể làm theo kiểu tứ trụ, được nới rộng theo kiểu ngang dọc nhờ các kèo đấm, kèo quyết. Giữa tứ trụ là một khánh thờ, bên trong có một pho tượng Phật Di Đà bằng đất sét lớn. Hai bên là khánh thờ thần Già Lam, khánh thờ Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma, Thập Điện Minh vương, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào – Bắc Đẩu, Tiêu Diện Đại Sĩ, Địa Tạng, Chuẩn Đề, Hộ Pháp.

Đặt chân đến Cù lao An Bình, ghé đến Chùa Tiên Châu, hiện lên trước mắt là ngôi chùa cổ uy nghi, nằm ẩn hiện dưới tán bồ đề; xung quanh là những vườn cây trái sum suê sẽ cho ta một cảm giác thật tĩnh lặng và tâm hồn thư thái sau những ngày làm việc căng thẳng

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long

Nằm trong danh sách những ngôi chùa cổ ở Vĩnh Long, Văn Thánh Miếu là một ngôi chùa cổ còn sót lại từ thời Nguyễn sau khi quân Pháp chiếm thành Vĩnh Long. Nơi đây được mệnh danh là “Quốc Tử Giám của phương Nam”, lưu giữ biết bao câu chuyện quý giá về tinh thần hiếu học của cha ông ta thời xưa.

Văn Thánh miếu nay thuộc phường 4, thành phố Vĩnh Long. Trải qua bao thời gian biến cố lịch sử, công trình đã trải qua trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên bản, và đã được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia năm 1991.

Khuôn viên của Văn Thánh Miếu
Khuôn viên của Văn Thánh Miếu

Miếu có Cổng tam quan uy nghi hướng ra dòng sông tĩnh lặng, được xây theo lối cổ lâu có ba tầng mái, trên hai trụ có chạm đôi liễn thanh tao. Sau cổng là thần đạo đi thẳng vào điện Đại Thành.

Hai bên là hai hàng sao cao vút có cùng niên đại với ngôi Thánh Miếu, tạo cho khu di tích một bề sâu và không khí uy nghi trầm mặc lạ lùng. Trên con đường đó, giữa hoa lá đan xen, bạn có thể chiêm ngưỡng ba tấm bia đá đã phôi phai với thời gian.

Hàng năm tại Văn Thánh Miếu có các lễ cúng Xuân Đinh và Thu Đinh và lễ vía cụ Phan Thanh Giản vào các ngày 4,5 tháng 7 âm lịch, lễ cúng vọng các trung thần liệt tử vào các ngày 12 và 13 tháng 10 âm lịch. Bạn có thể đến tham quan và viếng miều vào dịp này.

Đình Long Thanh

Được xây dựng năm 1754, Đình Long Thanh có địa chỉ tại phường 5, thị xã Vĩnh Long, đây là ngôi đình có tuổi thọ lâu đời và lớn nhất ở thành phố Vĩnh Long được người dân chung sức xây dựng. Nơi đây thờ các bậc tiền nhân có công khai phá, khẩn hoang ruộng đồng, lập làng lập ấp.

Đình Long Thanh được xây dựng theo kiến trúc Á Đông, với nội thất đều bằng gỗ cẩm lai, căm se, chạm trổ hoa văn tinh tế, mái lợp ngói vẩy cá truyền thống. Đây chính có kiểu kiến trúc đặc trưng ở miền Tây sông nước, gồm năm căn nóc hình chóp, hai căn nóc bánh ít, nhiều nóc nối dọc nhau. Ngoài cùng là cổng chính và tường rào cao kiên cố đều bằng xi măng.

Đình Long Thanh
Đình Long Thanh

Phía trong đình thờ các vị tiền hiền, hậu hiền có công xây dựng và giữ gìn ngôi đình. Trong có ba khám thờ chạm trổ lưỡng long, sơn son thiếp vàng. Trước mỗi khám đều có một ngai gỗ chạm trổ hoa văn, đặt ở trên là lư hương bằng sành để thờ phụng.

Qua bao thăng trầm đình Long Thanh vẫn được bảo quản khá tốt, trở thành Di tích lịch sử văn hóa, nơi tập trung các hoạt động nghệ thuật và lễ hội của địa phương, ngoài ra còn  là điểm hẹn hấp dẫn, không thể thiếu những ai ghé thăm vùng đất Vĩnh Long.

Hoài Nguyễn

Ảnh: Internet

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

error: