Bạn là một người yêu mến vùng đất miền Tây sông nước và con người ở nơi đây. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể dễ dàng “thấm” được những câu nói rặc miền Tây được! Để không bị “chưng hửng” khi tới đây, bạn nên chuẩn bị vốn tiếng miền Tây cơ bản, tìm hiểu ngay bây giờ nha.
Ngôn ngữ miền Tây cũng đơn giản, chất phát như chính con người miền Tây vậy. Mỗi khi nghe dân miền Tây phát âm là nhận ra ngay: chời đất, gòi xong, má hú, bâng quơ, … Vậy làm sao để bạn hiểu được tiếng miền Tây kể cả khi chưa đến đây lần nào. Một số mẹo sau đây sẽ bạn nói chuyện với những người dân ở đây dễ hơn đó.
>>> Xem thêm: “Ní là gì”, “nà ní” nghĩa là gì? Tại sao được dùng nhiều?
Danh mục bài viết
Khi người miền Tây khen
Người miền Tây thẳng thắng bộc trực lắm, nên khi họ khen ai thì nghĩ sao nói vậy chứ không vòng vo hay dùng từ hoa mỹ. Nên khi nghe họ khen ai cũng hạn chế sự tâng bốc nhưng lại khiến người nghe mủi lòng. Chính sự khiêm tốn này tô điểm cho vẻ đẹp của con người miền Tây sông nước hữu tình.
Một số ví dụ về lời khen rặc ngôn ngữ miền Tây thân thương dễ mến:
– Con bé Tú bận cái đầm hồng nhìn cưng ác (cưng ác: cưng quá trời)
– Đồ ăn của má tui làm ngon bá cháy (ngon bá cháy: ngon quá trời)
– Nó mần công chiện gọn hơ hà, chứ hổng phải lê thê như bà chị nó (gọn: nhanh nhẹn, chăm chỉ)
– Hời ơi ngày lớn càng thấy thằng Tèo nó bảnh tỏn ghê á bây (bảnh tỏn: đẹp trai)
Câu nói rặc miền Tây khi chê/ la rầy
Câu chuyện bàn về từ ngữ miền Tây là đề tài muôn thuở của những người du lịch nơi đây. Với cách nói không quanh co, không thử lòng, không rào trước đón sau, quá thẳng thắng khi chê/ la rầy khiến lời nói của người miền Tây đôi khi dễ gây hiểu lầm.
Ví dụ:
– Cái thằng âm binh, dịch dật này! (âm binh/ dịch dật: xấu xa)
– Chạy đi đâu mà bạt mạng vậy, tính đi bán muối sớm hả (bạt mạng: không màng sống chết)
– Thấy cái mặt nó là biết đía ời (đía: ma mãnh, không thiệt tình)
– Con gái mà mần gì cũng rề rề vậy hà (rề rề: chậm chạp)
– Hời ơi sao nói chiện đâm bang dậy cha nội (đâm bang: lạc chủ đề, vô duyên)
– Nấu nướng gì mà bầy hầy quá dậy cà, dọn dẹp cho gọn lại đi con (bầy hầy: không gọn gàng)
>>> Thương lắm nét đẹp ngôn ngữ miền Tây!
Câu nói cảm thán đậm chất miền Tây
Người miền Tây vui hay buồn đều thể hiện hết qua lời ăn tiếng nói hằng ngày. Họ nói ra ngay đó rồi xong chứ hổng có để bụng hay làm hiểm. Có sao thì nói vậy, “mất lòng trước được lòng sau”. Thế nên việc khen chê như trên cũng là điều dễ hiểu. Còn về tâm trạng khi nói, họ cũng bộc trực ngay lúc đó, nghe qua cũng đủ biết thái độ, cảm xúc ra sao.
Đọc qua những câu dưới đây cũng đủ thấy:
– Mèn đét ơi, Chị Hai! Lâu dữ ời mới gặp lợi chị. Mừng quá trời quá đất!
– Trời đất quỷ thần ơi, sao nói một đằng mà làm một nẻo vậy cha nội
– Quá xá đã ời! Tối nay mình chơi tới bến nha anh Út
– Cái món gì mà nhìn bá chấy bù chét vậy cà
– Thấy mà gớm. Tui mà mê ổng hồi nào. Có chết liền á
– Mua trái dưa gì bự tổ chảng ai ăn cho hết ba
– Ăn uống gì hông để ý ai hết trơn hết trọi á
– Xa mút chỉ cà tha vậy mà cũng kêu tao đi nữa. Hổng có lần sau đâu nha con
Những động từ miền Tây “khó đỡ”
Chưa đâu nghen, sơ sơ là chỉ mới có những câu nói về cảm xúc thôi đó. Tới khi tìm hiểu về những động từ không đụng hàng của người miền Tây, bạn mới thấy xoắn não tới cỡ nào. Nghe nhiều lần chưa chắc thấm nổi, chứ ở đó mà mới lần đầu nói chuyện với người miền Tây.
Cũng là cùng một từ, nhưng mỗi vùng miền lại có cách thể hiện khác nhau. Thử xem qua những ví dụ động từ miền Tây độc lạ tới cỡ nào:
– Nay vợ nấu ăn ngon quá, chắc anh quất hết cái nồi này cũng chưa đủ nữa (quất: ăn)
– Bận sao coi được nghe. Bận bộ đồ xấu quắc là hông ma nào nhìn mày đâu (bận: mặc)
– Mày thấy cô giáo bả dạy sao? Chứ tao là tao hông hiểu ráo trọi gì hết ời đó
– Em ngó vô coi tía má còn ở nhà hay đi mần gòi (ngó: nhìn)
– Mày đi dìa giùm tao cái. Tối ngày tụ tập tụm năm tụm ba không hà (đi dìa: đi về)
– Nó xà quần nãy giờ chứ chưa có mần ăn được miếng nào hết trơn (xa quần: đi tới lui)
– Mặt nó chưng hửng như chưa biết chiện gì xảy ra (chưng hửng: ngỡ ngàng)
– Bộ đồ này tía ăn tơ ni vô nhìn đẹp quá chừng (ăn tơ ni: bỏ áo vào quần)
Những cách nói tiếng miền Tây dễ gây hiểu lầm
– Cho tui dĩa cơm xào núm nghen. Núm chị xào ăn ngon nhứt nách (núm ở đây là nấm)
– Nói chiện với nó tức ngược. Nó hay đâm xuồng lủng lắm (đâm xuồng lủng: nói chuyện không đúng chủ đề)
– Cái mặt nó nhìn thấy ghét ghê vậy á (ghét: cưng, đẹp, xinh)
– Nó cứ tàn tàn vậy chứ không lo mần ăn gì hết (tàn tàn: vô tư, từ từ)
– Cái đầm màu hồng phấn nhìn ngộ hen (ngộ: đẹp, lạ)
– Thằng cha này bà Tám ghê ta (bà Tám: nhiều chuyện chứ hổng phải thứ Tám)
>>> 5 phút học tiếng miền Tây qua những từ ngữ không hề “đụng hàng”
Cách phát âm tiếng miền Tây dễ gây nhầm lẫn
Không phân biệt dấu hỏi/ ngã
Thường người miền Tây nói chuyện dân dã chứ hổng hề hoa mỹ, cầu kì nên không chú trọng việc phát âm cho lắm. Nghe người miền Tây nói, bạn dễ bị nhầm lẫn giữa những từ gần giống nhau. Đặc biệt là âm hỏi và ngã, dường như không có sự phân biệt nào cho những từ chứ 2 dấu này. Cách duy nhất để bạn phân biệt được là đặt nó vào ngữ cảnh rồi theo kinh nghiệm mà đoán ra.
Những cặp từ dễ bị nghe nhầm trong từ điển tiếng miền Tây:
Phân nửa – nữa ời, sữa tươi – sửa đồ, kỉ niệm – cũ kĩ, hôm bữa – bửa củi, chuyện cũ – rau củ, … có cách phát âm theo kiểu miền Tây giống hệt nhau
Lẫn lộn về vần
Cái này còn rối não hơn nữa nè. Người miền Tây rất chuộng cách nói sao cho đơn giản, hông cần mỹ miều nên nhiều khi có sự biến đổi về vần một cách có mục đích. Thay gì nói “thôi đi“, người ta lại nói là “thui đi“, “hiểu” thì lại nghe như “hỉu“, “chuyện” thì lại biến đổi thành “chiện“, “bệnh” thành “bịnh“, …
Chưa hết đâu nghen, tới cái vụ đặt tên mới đau đầu nè: Tuyền thì bị gọi là Tiền, Tuấn thì kêu là Tứn, Tấn thì gọi là Tắn, Oanh thì kêu là Quanh, …
Phát âm các âm r, tr, gi
Câu chuyện về phát âm không chuẩn đã trở thành nét đặc trưng thú vị của người miền Tây. Ai mà lần đầu nghe người miền Tây rặc nói chuyện sẽ thấy là lạ mà cũng hay hay. Bởi với cách phát âm vậy khiến cho người còn lại cảm thấy gần gũi, dễ mến hơn rất nhiều.
Xem thử đoạn văn dưới đây cũng đủ thấy:
“Con ở Xì Gòn xuống đây hả dì mà mệt dữ dậy chèn. Ngồi đây má dọn cơm canh ga gòi ăn dí má nghen. Đồ ăn dứ quê cây nhà lá dườn, có dì dùng nấy nên đừng có chê nghen hông. Thấy mí đứa đường xa lặn lội tới thăm là tao mừng dữ lắm ời. Ở chơi mấy bữa, tao đổ bánh xèo, bánh lá gòi kêu thằng Út chài cá tép cho tụi bây ăn.”
Đó, điểm sơ qua lời ăn tiếng nói hằng ngày của người miền Tây thôi đã đủ rối não rồi. Thế nhưng từ điển tiếng miền Tây lại đem lại nguồn cảm hứng cho những nhà nghiên cứu ngôn ngữ. Qua những câu nói rặc miền Tây trên, bạn cảm thấy như thế nào, hãy để lại bình luận cho Tui là người miền Tây biết nhé.
>>>Xem thêm về tiếng miền Tây qua bài viết này nhé: “Lạ mà quen” với 7749 từ ngữ miền Tây không phải ai cũng biết
Nếu bạn yêu thích miền Tây, đừng quên theo dõi Tui là người miền Tây trên YouTube và Facebook nhé!