Tục cúng cô hồn trong tháng 7 âm lịch là một phong tuc truyền thống có từ lâu đời ở Việt Nam và một số nước châu Á. Nhiều người vẫn thực hiện nghi thức này những chưa thực sự hiểu rõ về nguồn gốc của nó. Vậy tục cũng cô hồn là gì? Mâm cúng cô hồn gồm những gì? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây nhé!
>>> Xem thêm: 4 nét đặc trưng của văn hóa miền Tây Nam Bộ
Danh mục bài viết
Tục cúng cô hồn là gì?
Theo quan niệm của dân gian, tháng 7 là tháng cô hồn nên nhiều người khá cẩn trọng và e dè trong thời điểm này. Trong “tháng cô hồn“, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng Phật, bàn thờ gia tiên và cúng cô hồn.
Tục cúng cô hồn bắt nguồn từ Trung Hoa. Ở đây, người ta gọi lễ cúng này là “Phóng diệm khẩu” – cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa. Về sau, dân gian nói rộng ra và nói trại đi thành “cúng cô hồn”, cúng thí cho những vong linh vật vờ, không có thân nhân, chỗ nương tựa trên trần gian.
Nguồn gốc của tục cúng cô hồn
Tục cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà (thường gọi tắt là A Nan) với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu).
Trong một buổi tối, lúc A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau, A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa, mặt cháy đen như nó.
A Nan lo sợ, nhờ quỷ bày cho cách vượt qua. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, và soạn lễ cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ, còn tôi sẽ được sinh về cõi trên”.
A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Đức Phật bèn cho bài chú gọi là “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Ðà La Ni”. A Nan đem tụng trong lễ cúng và được thêm phúc thọ…
Tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này nên ngày nay người ta vẫn nói cúng cô hồn là “Phóng diệm khẩu”, với nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”. Về sau phổ biến theo dân gian nên được gọi là lễ cúng cô hồn.
Như vậy tục cúng cô hồn là nghi lễ cúng cho những vong hồn không nơi nương tựa, không chốn dung thân.Có thể thấy nghi lễ này cũng rất được coi trọng, bên cạnh lễ cúng Phật, cúng thần linh, gia tiên vào rằm tháng 7.
Ở Trung Quốc, lễ cúng cô hồn được thực hiện vào ngày 14/7 âm lịch. Còn tại Việt Nam, không có ấn định cụ thể nào cho ngày lễ này ở trong dân gian. Tuy nhiên, các gia đình thường làm lễ cúng vào đúng ngày rằm tháng 7, sau lễ cúng Phật và lễ cúng gia tiên.
Mâm cúng cô hồn gồm những gì?
Có thể thấy, người dân Việt Nam rất xem trọng các lễ nghi cúng bái theo quan niệm “có kiêng có lành”. Lễ cúng cô hồn trong tháng 7 cũng được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên bạn có biết mâm cúng cô hồn gồm những gì không?
Lễ nghi này được thực hiện cẩn trọng gồm đầy đủ các nghi thức cơ bản của một lễ cúng. Mâm cúng cô hồn cơ bản được chuẩn bị gồm:
– Bánh, kẹo, tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá).
– Muối gạo (1 đĩa)
– Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ), hay là cơm vắt: 3 vắt.
– 12 cục đường thẻ.
– Giấy áo, giấy tiền vàng bạc. Trong đó, tiền vàng từ 15 lễ trở lên, quần áo chúng sinh từ 20 đến 50 bộ. Khi rải tiền vàng ra mâm cúng phải để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hướng từ 3-5-7 cây hương.
– Bắp rang, khoai lang, ngô, sắn luộc…
– Mía (để nguyên vỏ và chặt tùng khúc nhỏ độ 15 cm).
– Nước: 3 ly nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.
Tất cả những thứ trên sẽ được bày biện ra mâm cúng theo thư tự sắp xếp ngay ngắn. Mâm cúng cô hồn được đặt trước nhà và cúng ở ngoài trời. Sau khi cúng, muối gạo sẽ được rải trực tiếp theo 4 phương 8 hướng. Giấy tiền vàng bạc được đốt tại nơi cúng vái.
Ý nghĩa và giá trị nhân văn từ tục cúng cô hồn
Tục cúng cô hồn vốn dĩ được truyền bá rộng rãi do đề cao ý nghĩa nhân văn, đề cao sự bố thí. Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, từ mùng 2/7 – 12/7 âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan “thả cửa” cho ma quỷ và kết thúc sau 12 giờ đêm của rằm tháng 7 phải quay lại địa ngục.
Các cô hồn được xóa hết mọi tội lỗi, thoát về dương thế. Vì các cô hồn thường sợ ánh sáng, không dám đến đón nhận những đồ vật phẩm cúng bố thí nên mọi người nên chọn cúng vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn, cô hồn dễ nhận được đồ mà các gia chủ cúng.
Theo Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cúng cô hồn là lễ cúng thí thực cho các vong hồn bơ vơ, không ai thờ cúng. Lễ cúng cô hồn được tiến hành chu đáo ở nhiều ngôi chùa với mong muốn các vong hồn được vãng sinh về Tịnh độ.
Qua phần cúng thí thực cô hồn, có thể thấy thấy lòng từ bi của chư Phật cùng sức mạnh của câu chân ngôn cộng hưởng với năng lực tu hành đức độ của hành giả tác động vào thần thức của cô hồn, giúp cô hồn, ngã quỷ tỉnh ngộ và siêu thoát.
Những việc nên làm trong tháng cô hồn
Ngoài thực hiện tục cúng cô hồn, bạn cũng có thể tham khảo những gợi ý từ tín ngưỡng dân gian để tránh được những tai ương trong tháng (theo quan niệm dân gian):
- Thăm mộ phần của người thân trong gia đình ở ngoài nghĩa địa hay trong trong chùa chiền, nơi lưu giữ các hũ hài cốt. Vì trong tháng cô hồn còn gọi là Tết của những người Âm.
- Trước khi dọn đồ ra cúng cô hồn, nếu chưa kịp thắp nhang khấn vái mà có những người tranh nhau giật các đồ cúng từ trên tay bạn thì ngay lập tức nên buông thả đồ cúng ra khỏi tay. Nếu bạn giật lại thì hậu quả nhận được là những điều tệ hại. Nếu khi bạn chưa làm lễ cúng mà đã có người chầu chực để giật có nghĩa là tín hiệu tốt.
- Nên hạn chế sát sinh các con vật.
- Nên cúng xe ô tô dù có kinh doanh hay không kinh doanh.
- Nên ăn chay để tránh điềm dữ.
- Nên làm phúc thiện mạnh mẽ trong tháng này.
- Nếu biết tụng kinh thì nên trì tụng (Chú Đại bi, chuẩn đề, vu lan báo hiếu, Địa tạng).
- Nên ăn nói nhã nhặn, vui vẻ trong gia đình hay trong bạn bè đối tác.
- Nên tránh xa các cuộc xung đột.
- Nên cứu người khi gặp nguy cấp.
- Nên đi chùa chiền thắp nhang cầu xin sức khỏe, cầu siêu…
- Khi các bạn cúng cô hồn xong thì 1 ngày sau đó hoặc cuối tháng 7 nên dùng bột trừ tà ma tiêu khử, tránh trường hợp các âm hương linh phảng phất vào nhà mình tụ ở lại. Đồng thời vào đầu tháng 8 âm lịch thì nên dùng bột tẩy uế mà tẩy hoàn toàn trong căn nhà mình để có tác dụng cân bằng sinh khí trong ngôi nhà mình ở.
Tục cúng cô hồn và các lễ nghi khác đều là những tín ngưỡng dân gian và không ai hay ngành khoa học nào có thể kiểm chứng là đúng hay sai. Tuy nhiên, theo quan niệm của nhân dân ta “có thờ có thiêng” nên những nghi thức này vẫn được thực hiện với thái độ đề cao sự bố thí, tinh thần nhân văn, hướng về những điều tốt đẹp.
Xem thêm những nét văn hóa dân gian ấn tượng khác tại kênh youtube Tui Là Người Miền Tây hoặc fanpage trên facebook.
Ảnh: Internet.