Ghé thăm nhà thờ Cha Diệp – 1 địa điểm hành hương nổi tiếng tại Bạc Liêu

nha tho cha diep

Ở miền Tây, cụ thể với người dân Bạc Liêu thì nhà thờ Cha Diệp là thánh đường Công giáo linh thiêng bậc nhất, hằng năm thu hút rất nhiều đồng bào Công Giáo và du khách đến chiêm bái, cầu nguyện.

Từ những năm 1990, nhà thờ chưa bao giờ vắng bóng người hành hương, nhất là vào ngày giỗ của Linh Mục Trương Bửu Diệp. Một điều khá bất ngờ là có đến 70% trong số những người hành hương về đây không phải là người Công Giáo. Vậy hôm nay, hãy cùng Tui là người miền Tây khám phá địa điểm tâm linh ẩn chứa nhiều điều đặc biệt này nhé.

>>> Xem thêm: Nhà thờ Cha Diệp ở đâu? Đường đi nhà thờ Cha Diệp Bạc Liêu

1. Tiểu sử Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp

Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 1-1-1897, được Cha Giuse Sớm rửa tội ngày 2-2-1897 tại họ đạo Cồn Phước, làng Tấn Ðức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, Chợ Mới, Tỉnh An Giang.

Cha ngài là Micae Trương Văn Đặng (1860-1935), mẹ ngài là Lucia Lê Thị Thanh. Gia đình sinh sống tại họ đạo Cồn Phước.

Năm 1904, lúc ngài lên 7 tuổi thì mẹ mất. Theo cha, gia đình dời lên Battambang, Campuchia, sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, thân phụ ngài tục huyền với bà Maria Nguyễn thị Phước, sinh năm 1890, quê quán họ Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang. Kế mẫu đã sinh cho ngài người em gái tên là Trương thị Thìn (1913), hiện còn sống tại họ đạo Bến Dinh, xã Tân Hoà, huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp.

Năm 1909, cha Phêrô Lê Huỳnh Tiền cho ngài vào Tiểu chủng viện Cù lao Giêng, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới An Giang. Mãn Tiểu chủng viện, ngài lên Ðại chủng viện Nam Vang, Campuchia (lúc đó các họ đạo khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long trực thuộc giáo phận Phnom Penh, Campuchia).

Năm 1924, sau thời gian tu học, ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang, thời Ðức cha GB. Chabalier. Lễ vinh quy và mở tay được tổ chức tại nhà người cô ruột là bà Sáu Nhiều, tại họ đạo Cồn Phước.

Năm 1924-1927, được bề trên bổ nhiệm làm cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt Nam sinh sống tại tỉnh Kandal, Campuchia.

Năm 1927-1929, ngài về làm giáo sư tại Tiểu chủng viện Cù lao Giêng.

2. Sống chết vì Đàn Chiên

Trong suốt thời gian nhận nhiệm sở tại đây, Cha được nhiều người dân yêu mến vì lòng tận tụy và yêu thương giáo dân. Tuy nhiên, vào những năm 1945, tình hình chính trị rất phức tạp nên xảy ra nhiều biến cố lớn. Cha Diệp đã không đi di tản mà chọn ở lại nhà thờ để đồng hành và chăm lo cho giáo dân của mình, Cha đi đọc kinh và giúp kẻ đau ốm, bệnh hoạn. Vào ngày 12 tháng 3 năm 1946, Cha Diệp đã bị bắt cùng 70 người giáo dân khác và bị giết chết.

Sau đó vài ngày giáo dân đã tìm thấy xác Ngài từ một cái ao của ông giáo Sự, với vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần trụi như Chuá Giêsu trên thập giá.

Thi hài ngài được vớt lên và chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Ðến năm 1969, hài cốt ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nhiệm sở của ngài thi hành chức vụ chủ chăn trong 16 năm. Ngôi nhà mồ của ngài hiện nay, được trùng tu và khánh thành ngày 4-6-1989. Ngài là cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy.

Xung quanh cái chết của Cha Diệp có rất nhiều giai thoại và chuyện kể khác nhau, gắn liền với nhà thờ Tắc Sậy – Bạc Liêu. Nhưng có một điểm chung là đều nói lên sự can đảm, hết lòng vì giáo dân, kể cả phải hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ người khác của cha Diệp. Ngày nay, khi đến với Bạc Liêu, khách du lịch không thể không ghé thăm nhà thờ Cha Diệp. Chắc chắn bạn sẽ được nghe kể rất nhiều điều về vị linh mục có lòng tốt và tâm hồn nhân hậu này.

3. Ghé thăm nhà thờ Cha Diệp (nhà thờ Tắc Sậy)

Nằm trên cung đường Bạc Liêu đi Cà Mau và cách trung tâm thành phố Bạc Liêu 37 cây số, nhà thờ Cha Diệp tọa lạc ở Ấp 2, xã Tân Long, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Không chỉ là điểm đến tín ngưỡng thu hút hàng trăm nghìn tín đồ và du khách ghé thăm hàng năm, nơi đây còn là địa điểm du lịch Bạc Liêu nổi tiếng. 

Vì sao lại có tên nhà thờ Tắc Sậy? Theo người lớn tuổi địa phương cho biết khu vực nhà thờ Tắc Sậy tọa lạc xưa kia là có một đường tắt nhỏ đi ngang qua. Thuở đó, mảnh đất này cũng có rất nhiều đám lau sậy um tùm. Người dân bèn gọi là Tắt Sậy nhưng do cách phát âm đặc trưng của người miền Tây đã biến chữ “tắt” thành chữ “tắc,” nên từ đó người ta hay gọi là “Tắc Sậy”.

Đặc biệt hơn, cha Diệp cũng chính là người có công lớn trong việc hình thành và phát triển nhà thờ như bây giờ. Qua khoảng thời gian dài, do chiến tranh và nhiều biến cố, nhà thờ bị xuống cấp và hư hại không ít. Nhưng sau đó đã được xây dựng lại từ sự đóng góp của đồng bào Công giáo và trở thành điểm hành hương nổi tiếng của Bạc Liêu, Cà Mau nói riêng và miền Tây nói chung.

Càng ngày càng có nhiều câu chuyện truyền miệng của nhiều giáo dân và người dân địa phương về sự linh thiêng của nhà thờ. Vì vậy đã có không ít người đến đây xin ơn và đã được ban ơn nhờ vào sự tin tưởng vào Thiên Chúa Giáo và cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Dần dần mọi người từ khắp nơi trong và ngoài nước đã đến đây chiêm bái và cầu nguyện, mang theo lòng tin và sự kính trọng cho điểm đến linh thiêng này. Cha Diệp được xem là người đã mang đến phúc lành trong tâm thức của những người Công giáo.

nhà thờ Cha Diệp
Nhà thờ Cha Diệp hay còn được gọi là nhà nhờ Tắc Sậy

4. Kiến trúc độc đáo của nhà thờ Cha Diệp

Nhìn bao quát từ xa, nhà thờ Cha Diệp mang lối kiến trúc nổi bật, thể hiện nét uy nghiêm và vững chãi. Vị trí của tòa nhà cũng rất dễ nhìn vì nằm ngay trên trục lộ giao thông chính sầm uất của tỉnh Bạc Liêu. Công trình gồm 3 tầng chính. Trong đó tầng trệt là nơi nghỉ ngơi, tầng 2 và tầng 3 là khu vực Thánh đường dành để dâng Thánh lễ. Riêng phần tiền sảnh của tầng 2 rất rộng rãi và thoáng đãng. Tòa nhà được thiết kế như một tòa nhà rộng lớn có ba nóc tuân theo kiến trúc Á Đông.

Dù vậy công trình tôn giáo này vẫn giữ được nét đẹp của văn hóa Việt với hình dáng gợi lại các ngôi đền đình ngày xưa ở thôn quê Việt Nam có điểm thêm vài chi tiết cách tân, đổi mới. Đặc biệt nhất là phần mộ Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp được thiết kế như một tòa nhà gồm ba nóc. Nóc chính giữa là nơi ấn tượng nhất và cao hơn hai nóc phụ, phía trên có gắn đồng hồ lớn tạo nên điểm nhấn nổi bật cho cả tòa công trình.

Bên cạnh đó, nơi đặt mộ của cha Diệp còn có một tác phẩm tượng gỗ Hữu Thạo cao 2,5m và được đặt tại đây vào ngày 24/12/2008. Nhiều bức tượng gỗ khác được bày trí theo tinh thần tín ngưỡng Công giáo và đa số đều được chế tạo từ gỗ quý. Những nét gỗ được chạm khắc tinh vi làm cho không khí nơi đây thêm phần trang trọng, linh thiêng.

Hi vọng với những thông tin trên, các bạn đã phần nào hiểu rõ hơn về tiểu sử cha Phanxicô Trương Bửu Diệp và nhà thờ Tắc Sậy. Nếu có dịp ghé thăm vùng đất này, đừng quên dành chút thời gian trong hành trình của mình để ghé thăm địa điểm hành hương linh thiêng cũng như trải nghiệm những nét văn hóa, ẩm thực độc đáo của vùng đất Bạc Liêu.

Bạn cũng có thể theo dõi Facebook Fanpage cũng như kênh Youtube Tui Là Người Miền Tây để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị về vùng đất và con người nơi đây nhé. Hẹn gặp lại bạn ở bài viết sau!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

error: