Mâm ngũ quả ngày Tết là một hình ảnh thân thuộc và không thể thiếu trong những dịp Tết nguyên đán. Ở mỗi vùng miền, người ta đều có cách trưng bày với những loại trái cây khác nhau. Tuy nhiên đều thể hiện chung tinh thần uống nước nhớ nguồn, là thức quà quý dâng lên ông bà tổ tiên.
Nếu như ở miền Bắc và miền Trung, mâm ngũ quả thể hiện cho sự trang trọng, chỉn chu cầu kì thì ở miền Tây, mâm ngũ quả ngày Tết lại thường khá đơn giản, thể hiện sự chất phát, đôn hậu của những người con xứ sở miệt vườn.
>>> Xem thêm:
Danh mục bài viết
Tục lệ bày mâm ngũ quả trong văn hóa Nam Bộ
Không biết tục trưng mâm ngũ quả vào những ngày Tết cổ truyền có từ khi nào, nhưng với những người con vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc bày biện một mâm trái cây trên bàn thờ dịp Tết đã khắc sâu trong kí ức của họ từ già trẻ lớn nhỏ gái trai.
Bên cạnh cặp bánh tét, kẹo mứt, hoa tươi thì hầu như nhà nào cũng có một mâm ngũ quả trưng trên bàn thờ. Năm loại quả có màu sắc, dáng vẻ khác nhau tượng trưng cho sự sống ứng với ngũ hành vận mệnh mỗi người là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Đồng thời, lựa chọn 5 loại quả còn bởi số 5 là số lẻ tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở và phát triển đi lên.
Với những người nông dân miền Tây, những trái cây trên mâm ngũ quả chính là sản vật mà họ trồng được, kết tinh từ công sức lao động, những giọt mồ hôi. Chắt chiu từng chút một để khi tết đến xuân về, lại thành kính dâng lên ông bà tổ tiên như một lời tri ân, nhớ ơn ông bà đã phù hộ độ trì cho một năm an bình, gặt hái được nhiều thành quả sau những ngày tháng lao động vất vả.
Việc chuẩn bị một mâm ngũ quả thường được chuẩn bị sớm trước những ngày Tết đến. Cứ đến độ sau khi đưa ôn Táo về trời là các chị các mẹ bắt đầu lên lịch xem ngày nào chợ, đi ở khu chợ nào và chọn mua những trái cây gì về trưng. Đặc biệt là phải đi mua trước những ngày chợ ngưng bán vì ở các chợ miền Tây, khoảng đến độ 29, 30 Tết là bà con sẽ không buôn bán nữa để về quê ăn Tết.
Mâm ngũ quả miền Tây gồm những loại trái gì và ý nghĩa?
Ngày nay do cuộc sống ngày càng được cải thiện cũng như sự giao thoa văn hóa ở các vùng miền nên việc trưng bày mâm ngũ quả không còn câu nệ hay bắt buộc nhất định phải có 5 loại quả và nhà nào cũng phải giống nhau. Tùy theo sở thích và điều kiện của gia chủ, nhiều gia đình sẽ có cách chọn lựa bày biện với nhiều loại trái cây khác nhau.
Tuy nhiên, ở miền Tây thì hầu hết bà con vẫn ưu tiên sử dụng 5 loại trái cây theo cách đọc trại để thể hiện sự cầu mong những điều tốt lành. Đó là 5 thứ trái: mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ, xoài sống, trái sung nhằm ngụ ý “Cầu vừa (dừa) đủ xài (xoài) sung”, thể hiện mong muốn vừa đủ cho sự đủ đầy sung túc.
Khác với miền Bắc, bà con miền Tây Nam Bộ sẽ không sử dụng chuối xiêm trưng trên mâm ngũ quả, vì theo cách đọc lái chuối thành “chúi”. Nếu đầu trưng chuối hay ăn chuối thì cả năm sẽ bị xui rủi, cuộc sống lúc nào cũng chúi xuống, không ngẩng đầu lên được, làm ăn thì không may mắn, học hành thi cử thì trượt vỏ chuối.
Một loại trái nữa mà bà con miền Tây cũng kiêng kị sử dụng trong mấy ngày Tết nguyên đán đó là cam quýt, vì sẽ mang ý nghĩa “quýt làm cam chịu”, lúc nào cũng bị thiệt thòi, thua thiệt hơn người khác.
Trên bàn thờ gia tiên của bà con miền Tây trong dịp tết cổ truyền còn phải có cặp dưa hấu tròn xoe, vỏ xanh ruột đỏ tượng trưng cho tấm lòng sắt son, trung nghĩa hay sự may mắn và đủ đầy. Có nhà thay thế dưa hấu bằng cặp bưởi cũng mang ý nghĩa mọi điều trọn vẹn, có đôi có cặp.
Hiện nay thì ngoài 5 thứ trái được ưu tiên sử dụng trên mâm ngũ quả thì nhiều gia đình còn sử dụng thêm nhiều loại trái cây khác để mâm trái cây thêm nhiều màu sắc bắt mắt mà không làm mất đi ý nghĩa. Ngoài những trái truyền thống thì sẽ dùng thêm thơm (khóm), thanh long, na (mãng cầu tây), ớt, phật thủ, trái dư, trái hồng…
- Trái Phật thủ: giống như bàn tay đức Phật, luôn chở che cho các thành viên trong gia đình
- Trái Thơm (khóm): tượng trưng cho con cái đủ đầy, gia đình hạnh phúc
- Trái Hồng: tượng trưng cho sự thành đạt
- Tái Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.
- Trái Sung: sức khỏe và tiền bạc luôn sung mãn, gia đình luôn sung túc giàu sang
- Trái Đu đủ: mang đến sự thịnh vượng đủ đầy một năm cho gia đạo
- Trái Xoài: cầu mong cả năm tiêu xài không thiếu thốn
Cách bày biện thì từ đơn giản đến phức tạp tùy theo sự sáng tạo của mỗi người. Thường thì sẽ chọn những trái lớn như dừa, mãng cầu, đu đủ để lên trước để làm thế sau đó sắp những trái nhỏ lên trên sao cho hợp lý. Những khoảng trống thì cho trái dư, ớt, hồng… để mâm trái cây được đầy đặn. Cặp dưa hấu hay cặp bưởi sẽ đặt riêng hai bên cho đẹp mắt.
Cách chọn trái cây cho mâm ngũ quả?
Thường mâm ngũ quả sẽ được trưng trên bàn thờ vào ngày 30 tết, nhiều gia đình sẽ bắt đầu đi mua các loại trái cây trước đó vài ngày (27, 28 Tết) hoặc sớm hơn nữa. Do đó cần phải lựa chọn trái cây thật kỹ để trưng được lâu ngày, tránh hư hỏng.
- Nên lựa những trái còn xanh hoặc vừa chín tới, không chọn những trái đã chín vì sau vài ngày sẽ bị chín quá, lá bị héo và rất nhanh bị hư
- Chọn những trái vẫn còn nguyên cuống lá để trưng cho đẹp, lựa chọn kỹ độ tươi ở cuống trái và trái còn tươi nguyên, không có vết dập
- Trái cây mua về không nên đem rửa, khi dính nước sẽ rất dễ héo hoặc nhanh thối, chỉ nên dùng khăn khô hay khăn giấy ẩm lau sạch bụi bẩn trên vỏ trái là được.
Mãng cầu nên chọn mãng cầu xiêm màu xanh bóng, đu đủ thì xanh hườm hườm, dừa thì nên chọn dừa lửa, dừa dâu vừa nhỏ gọn dễ bày trí vừa có màu đẹp mắt, xoài thì cũng nên chọn xoài xanh sống, vỏ mịn, căng bóng, chùm sung thì trái to tròn đều.
Mâm ngũ quả đã trở thành một phần không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên những ngày Tết nguyên đán. Ngày nay, việc trưng bày mâm ngũ quả không chỉ còn gói gọn trong 5 loại trái mà có thể có nhiều hơn do sở thích của từng gia đình. Dù với bao nhiêu loại trái cây hay cách trưng bày như thế nào thì những ý nghĩa tươi đẹp của mâm ngũ quả vẫn còn được trân trọng và lưu truyền qua bao đời.
Hoài Nguyễn
Ảnh: Internet