Không chỉ là món ăn quen thuộc trong những ngày Tết ở Trà Vinh mà cốm dẹp còn là vật phẩm dâng cúng thần linh trong lễ hội Ok Om Bok của người Khmer. Bạn có bao giờ trải nghiệm nghi thức đút cốm dẹp độc đáo trong lễ hội Ok Om Bok ở Trà Vinh chưa. Nếu chưa hãy cùng Tui là người miền Tây tìm hiểu ngay sau đây nha.
Danh mục bài viết
Lễ hội Ok Om Bok ở Trà Vinh
Ok Om Bok được xem là lễ hội lớn, lâu đời ở Trà Vinh. Đến dự lễ hội Ok Om Bok của người Khmer 2022 ở Nam bộ như Trà Vinh bạn còn có dịp thưởng thức món cốm dẹp đậm màu dân dã. Khi những cơn mưa cuối mùa dần tàn, rằm tháng mười (rằm Cađắc theo Phật lịch Khmer) là tuần trăng đẹp của mùa nắng sắp đến ở phương Nam. Đó cũng là dịp đồng bào Khmer rộn rịp tổ chức một trong ba lễ hội lớn nhất trong năm của họ: Ok Om Bok.
Lễ hội cúng trăng ở Trà Vinh rất nổi tiếng, được tổ chức hằng năm ở Ao Bà Om. Tham dự lễ Ok Om Bok, ban đêm bạn còn được chiêm ngắm những chiếc đèn gió lơ lửng bay cao tầng trời, buổi trưa hào hứng, cuồng nhiệt với cuộc tranh tài dậy sóng trên sông của những chiếc ghe ngo sắc màu sặc sỡ. Đây còn là cơ hội thưởng thức món cốm dẹp đậm sắc màu dân dã văn hóa ẩm thực của cộng đồng người Khmer Nam Bộ.
Quy trình làm cốm dẹp
Để làm được một mẻ cốm dẹp cúng thần linh trong lễ hội Ok Om Bok ở Trà Vinh, người Khmer đầu tư rất kì công. Vào mùa trăng tháng 10 âm lịch, những ngày trước khi bước vào Ok Om Bok, những cô thôn nữ mềm tay đảo đều những hột nếp trong trã đất, bên dưới là ngọn lửa rơm hừng hực nóng.
Trước khi rang, nếp được ngâm trước đó 24 tiếng đồng hồ, vớt ra vo sạch, để ráo. Nếp rang sẽ không còn nổ, chín, trút rổ tre, chuyển tay thôn nữ sàng sảy sạch rồi đưa vào cối. Sau đó, một người cầm chiếc chày lớn giã mạnh, người kia một tay cầm chiếc chày nhỏ xọt, tay còn lại cầm thanh tre già khượi cốm dính thành cối văng ra.
Xọt xong, cốm đã dẹp, trút ra nia. Vậy là một mẻ cốm dẹp đã hoàn thành rồi. Lúc này cốm dẹp sẽ được cất lại, đợi đến ngày rằm tháng 10 sẽ được mang ra chuẩn bị cho lễ hội Ok Om Bok ở Trà Vinh.
Cách trộn cốm dẹp chuẩn của người Khmer Nam Bộ
Để làm cốm dẹp đúng chuẩn người Khmer Trà Vinh không quá khó. Bạn chuẩn bị lần lượt những nguyên liệu sau đây:
- Đường cát, muối bọt
- Dừa nạo (chọn dừa có phần cơm còn dẻo)
- Nước dừa tươi
- Lá sen hay lá chuối
Món cốm dẹp ngon được trộn với dừa nạo, đường cát cùng một chút nước cốt dừa, gói trong tấm lá chuối cho vị béo, ngọt, bùi của một món trải qua nhiều công đoạn tốn hao công sức. Nếu được ủ trong chiếc lá sen, cốm đượm, ngoài mùi vị vừa nêu còn cho ta mùi thơm thoảng của thực vật “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Cách ăn cốm dẹp phổ biến nhất hiện nay là trộn cốm dẹp với dừa nạo, thêm chút muối và đường cát, hoặc đường thốt nốt. Theo kinh nghiệm dân gian, nếu một lít cốm dẹp thì trộn với một trái dừa rám vỏ đã được nạo sẵn, cùng với nửa ký đường cát, hoặc đường thốt nốt, thêm một ít muối để tạo vị đậm đà. Tất cả được trộn đều và đậy kín khoảng 4 giờ cho thấm gia vị, hạt cốm sẽ mềm dẻo và thơm ngon.
Đây là thức ăn chơi, phải bốc bằng tay, nhúm gọn lại trước khi cho vào miệng mới cảm nhận đủ đầy cái sự dân dã của nó. Và tất nhiên, như những món ăn dân dã khác, cốm dẹp trộn ủ lâu ăn “bắt ngây”. Ðể thưởng thức món cốm dẹp, người ta thường kết hợp với một số gia vị hoặc thức ăn khác.
Ngày xưa, cốm dẹp còn được ăn với tép rang, hoặc ăn với chuối tiêu cho chắc bụng. Có người đem cốm dẹp rang trên lửa cho hạt cốm phồng lên và giòn hơn.
Nghi thức đút cốm dẹp độc lạ
Không chỉ là vật phẩm dâng cúng thần linh, cốm dẹp còn là món ăn ngày Tết của các gia đình người Khmer, cốm dẹp là món ngon để tiếp đãi bạn bè, biếu tặng người thân, có khi cũng được làm để bán ngoài phố chợ. Ðiều đặc biệt là cốm dẹp ít khi được đo lường bằng cách thông thường, nghĩa là theo kí-lô-gam, mà được đong bằng lít. Hiện nay, mỗi lít cốm dẹp có giá khoảng từ 30-40 ngàn đồng.
Cốm dẹp trong tiếng Khmer là “Ombok”, và “Ok” là động tác dùng tay để đút vô miệng. Như vậy có thể hiểu Ok Ombok có nghĩa là đút cốm dẹp. Ðây cũng là nghi thức chính trong lễ hội Ok Om bok ở Trà Vinh hằng năm. Nghi thức này thường được thực hiện tại chùa, có khi trong sân nhà hoặc địa điểm có thể nhìn thấy rõ mặt trăng.
Ðầu tiên, người ta làm một cái cổng bằng tre, hoặc trúc, phía trên được trang trí hoa lá, có nơi trang trí 12 lá trầu (tượng trưng cho 12 tháng trong năm) và bảy trái cau (tượng trưng cho bảy ngày trong tuần). Phía dưới cổng bao giờ cũng có một mâm lễ vật dâng cúng thần Mặt Trăng, ngoài cốm dẹp là vật phẩm bắt buộc thì còn có các loại nông sản khác vừa thu hoạch được như dừa, chuối, các loại khoai, các loại trái cây và bánh kẹo.
Khi nghi thức cúng đã được thực hiện, lũ trẻ trong xóm thi nhau xếp hàng để nhận phần lộc từ thần linh là những món quà bánh được dâng lên. Nghi thức đút cốm dẹp cũng sẽ được thực hiện. Đầu tiên, người chủ lễ bẻ nữa trái chuối cho vào miệng trẻ và đúc một nắm nhỏ cốm dẹp rồi hỏi: “con ước muốn điều gì?”. Đứa bé trả lời theo ý của chúng. Người hỏi đấm nhẹ vào lưng trẻ ba lần và nói rằng: “con sẽ được như ý nguyện”.
Khi ánh trăng đã chứng kiến xong những ước vọng của con trẻ và lòng biết ơn của người lớn, người ta quây quần bên nhau trong tiếng nhạc rộn ràng. Họ nói, nước, đất và ánh trăng đã theo về trời, để sau đó đổ những cơn mưa xuống cõi trần, mang lại mầm sống mới cho con người và các loài vật.
Bạn thấy món đặc sản cốm dẹp của người Khmer hấp dẫn ghê chưa. Có dịp về ngay mùa lễ hội Ok Om Bok ở Trà Vinh, nhớ thưởng thức món ăn này hay mua về làm quà nhé! Mời các bạn truy cập YouTube hoặc Facebook để tìm hiểu thêm nhiều món ăn và địa điểm hấp dẫn khác ở miền Tây