Đậm đà lẩu mắm rau đồng mùa nước nổi miền Tây

Đậm đà lẩu mắm rau đồng miền Tây

Lẩu mắm rau đồng, món ăn độc đáo, đặc trưng cho ẩm thực và văn hóa miền Tây sông nước. Vốn được thiên nhiên ưu ái nên các kênh rạch, sông ngòi ở miền Tây có rất nhiều cá tôm và rau đồng. Đặc biệt vào mùa nước nổi, lượng lớn cá linh từ thượng nguồn sông Mêkông đổ về, cũng như là mùa bông điên điển vàng rực khắp mọi nơi. Hai nguyên liệu này làm cho món lẩu mắm bình thường đã đặc sắc nay càng đậm vị hơn. Hãy cùng Tui là người miền Tây tìm hiểu về món đặc sản mùa nước nổi có một không hai này nhé.

>>> Đặc sản rau đồng mùa nước nổi miền Tây

>>> Ẩm thực miền Tây mùa nước nổi

Nghề làm mắm mùa nước nổi miền Tây

Cứ tầm khoảng tháng 7 âm lịch đến tháng 10 âm lịch hàng năm là mùa nước nổi miền Tây lại xuất hiện. Với người dân miền Tây, đây không phải là thiên tai mà là ưu đãi của thiên nhiên với bao nhiêu sản vật quý như cá tôm, rau đồng, phù sa màu mỡ cho mùa màng, vườn tược.

Vào mùa này, rất nhiều loài thủy hải sản từ thượng nguồn sông Mêkông, Biển Hồ và Campuchia như cá linh, cá lóc, cá rô, cá heo… ùa về tất cả các con kênh, cánh đồng. Nhiều nhất vẫn là ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An. Đây là dịp để người dân bắt đầu hành nghề chài lưới trên những cánh đồng nước mênh mông.

Quăng lưới bắt cá mùa nước nổi miền Tây
Quăng lưới bắt cá mùa nước nổi miền Tây

Người nông dân thường dùng những tấm lưới lớn giăng trên các cánh đồng để đón những bầy cá đổ về, dùng lợp đặt men theo bờ những mảnh ruộng đã ngập nước, để qua đêm rồi đến sáng lại ra thu hoạch. Nhanh hơn là chèo xuồng và quăng chài trên sông để bắt cá.

Người nông dân miền Tây quanh năm đồng áng, đến mùa lũ thì chuyển sang nghề đánh bắt. Vừa có cá tôm cho bữa cơm hằng ngày, vừa dành lại một chút đem ra chợ bán có đồng ra đồng vô. Những hôm bắt được quá nhiều, ăn không hết không nỡ bỏ thế là nghĩ ngay đến việc ủ mắm.

Sơ chế cá để làm mắm
Sơ chế cá để làm mắm

Hầu như loài cá nào ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có thể đem ủ thành mắm và loại mắm nào cũng mang hương vị đậm chất miền Tây. Công đoạn làm ra những món mắm thơm ngon cũng khá cầu kì và công phu. Cá sau khi đánh bắt về, sơ chế cho sạch rồi để ráo, ướp với muối cục rồi ủ trong lu khạp.

Để khoảng một tháng thì lấy ra rửa sạch rồi tiếp tục trộn với thính rồi xếp lớp trở lại trong lu khạp. Dùng một tấm đệm đặt lên trên và ép thật chặt lớp cá ở dưới xuống để không bị hở. Đổ nước mắm cốt vào và tiếp tục ủ khoảng 2-3 tháng nữa, khi nào thấy lớp nước ở trên có màu đỏ trong thì khạp mắm đã đạt chuẩn. Công đoạn cuối cùng là trộn mắm đã ủ với đường thốt nốt đã thắng, để thêm một tuần là có thể thưởng thức.

Các loại mắm đặc sản miền Tây
Các loại mắm đặc sản miền Tây

Mắm cá miền Tây có hơn chục loại, mỗi loại sẽ được chế biến thành các món ăn phù hợp, thường thì mắm cá linh, cá sặc dùng để nấu lẩu, mắm cá chốt, cá lóc thì dùng để chưng hột vịt, thịt heo… Món nào cũng chứa đựng hương vị đậm đà của miền sông nước. Mắm cá còn có rất nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là khi chế biến thành món lẩu có kết hợp với các loại rau đồng miền Tây.

Rau đồng, nguyên liệu không thể thiếu cho một nồi lẩu ngon

Lẩu mắm thì nhất định phải ăn cùng với rau đồng thì mới chuẩn vị. Mùa nước nổi cũng là lúc rau đồng trở nên phong phú nhất, có hơn 20 loại mọc ở khắp các cánh đồng và vườn nhà. Rau ăn lá thì có rau muống, rau đắng, cù nèo, bồn bồn, tai tượng, rau dừa, cần nước… Rau ăn bông thì là so đũa, lục bình, bông bí… Ăn trái thì  phải kể đến cà phổi xanh, cà phổi tím, khổ qua, đậu rồng…

Người dân hái bông súng trên những cánh đồng ngập nước
Người dân hái bông súng trên những cánh đồng ngập nước

Mà vô mùa lũ thì nhất định phải nhắc đến bông súng, mùa này bông súng nhiều vô kể, hầu như ở kênh mương nào cũng có. Đặc biệt là súng ma, loài súng có thể dài đến 7m, bông trắng, chỉ nở vào ban đêm. Để hái được nhiều và tươi thì người dân thường phải chèo xuồng ra ruộng từ lúc sáng sớm. Chỉ cần chịu khó hái một chút xíu thôi là có ngay một xuồng đầy ắp những bông hoa súng tươi ngon.

Bông điên điển nở rộ mùa nước nổi
Bông điên điển nở rộ mùa nước nổi

Một loại rau đồng đặc sản nữa của miền Tây chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi mà hễ ai về miền Tây mùa này đều muốn thưởng thức đó là bông điên điển. Khi những con nước đầu tiên về cũng là lúc những hàng cây điên điển bắt đầu nở rộ. Bông điên điển hái về rửa sạch là có thể ăn được, vị chát chát bùi bùi của những bông hoa vàng ươm kết hợp với lẩu  mắm cá đồng thì thực sự rất hoàn hảo.

Mâm rau đồng miền tây tươi xanh
Mâm rau đồng miền tây tươi xanh

Nhìn một mâm rau đồng rực rỡ màu sắc là bạn sẽ muốn được thưởng thức ngay. Màu vàng của bông điên điển, bông bí, màu trắng tinh của bông so đũa, màu tim tím của bông súng, cùng với màu xanh của rau muống, rau đắng, rau nhúc… thực sự tạo cảm giác thích thú cũng như kích thích vị giác.

Ăn lẩu mắm rau đồng như thế nào cho chuẩn vị?

Từ con mắm thơm ngon qua bao tháng ngày ủ kỹ, bà con miền Tây đã sáng tạo ra rất nhiều món ăn ngon cho bữa cơm hằng ngày. Đậm đà nhất, nồng nàn nhất có lẽ là món lẩu mắm rau đồng.

Để có một nồi lẩu mắm rau đồng chuẩn vị, trước hết phải là khâu chuẩn bị nguyên liệu.  Mắm được dùng để nấu lẩu thường là mắm cá linh hoặc cá sặc, hai loại cá này có kích thước nhỏ, ít xương, thịt thơm và dai, rất thích hợp để nấu lẩu mắm.

Nguyên liệu để nấu lẩu mắm rau đồng
Nguyên liệu để nấu lẩu mắm rau đồng

Ăn kèm chung với lẩu ngoài một mâm rau đồng đủ loại tươi xanh còn là tôm, cá lóc hoặc cá tra, cá basa, thịt ba rọi, mực hoặc bạch tuộc cùng các loại gia vị khác. Những nguyên liệu này phải chọn những loại tươi ngon, mua về chế biến ngay mới giữ được nguyên vị cũng như làm cho nồi lẩu thêm đậm đà.

Đầu tiên là nấu phần nước lẩu, con mắm được đem đi nấu cùng với nước lọc, sau khi phần thịt rã ra hết thì sẽ được đem đi lọc bỏ phần xương. Phi xả ớt, hành tím cho thơm, cho phần nước lọc cá vào, tiếp theo là cho nước dừa vào rồi nấu cho thật sôi, cho khóm, nấm, thân xả và vài trái ớt vào, nêm nếm gia vị cho vừa miệng là xong.

Lẩu mắm rau đồng miền Tây
Lẩu mắm rau đồng miền Tây

Ăn lẩu mắm rau đồng thì cũng khá đơn giản, chỉ cần một cái bếp nhỏ, bỏ nồi lẩu lên, đợi nước sôi thì cho thịt heo, cá, tôm, bạch tuộc vô, đợi một chút cho chín phần thịt thì cho rau vào. Lưu ý nhỏ là rau đồng ăn tới đâu thì mình bỏ vô tới đó, như thế sẽ giữ được độ tươi ngon, giòn ngọt của rau. Lẩu mắm có thể ăn kèm với bún hoặc mì gói đều ngon.

Ấm lòng ngày mưa cùng lẩu mắm rau đồng
Ấm lòng ngày mưa cùng lẩu mắm rau đồng

Dưới cơn mưa phùn miền Tây, cùng bạn bè và người thân quây quần bên nồi lẩu mắm rau đồng nghi ngút khói. Vừa trò chuyện vừa gắp đồ ăn thì thực sự thật ấm áp và hạnh phúc. Gắp một miếng thịt cá vào miệng, cảm thấy thật hài hòa giữa vị ngọt của cá và vị đậm đà mặn mà của phần mắm thấm vào từng miếng cá. Cảm nhận thêm một chút đắng đắng từ khổ qua, chút chát chát từ bông điên điển, chút giòn giòn của bông súng… thì ngon không có gì diễn tả được.

Với người dân nghèo miền sông nước, lẩu mắm rau đồng là một món ăn thân thuộc hằng ngày, giản dị vậy nhưng lại đậm tình đậm nghĩa quê hương. Còn với những người phương xa về đây, được người dân hào sảng đãi món này thì chắc hẳn khi về sẽ rất nhớ, để rồi lâu lâu lại bồi hồi thèm đến cái vị mặn nồng và mùi hương thoang thoảng của nồi lẩu mắm rau đồng miền Tây.

Hoài Nguyễn

Ảnh: Internet

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

error: