Thiên nhiên lúc nào cũng hào sảng với những con người miền Tây, ngoài cá tôm thì còn có rất nhiều loại rau đồng, chỉ cần hái về là có ngay một bữa cơm ngon lành và bổ dưỡng. Vào mùa nước nổi, nước ngập tràn các cánh đồng cùng với những cơn mưa nặng hạt, khiến cho vô vàn các loại rau đua nhau phát triển, xanh mướt bắt mắt. Đặc biệt có những loài rau đặc sản miền Tây chỉ xuất hiện vào mùa này như bông điên điển, hẹ nước…
>>> Du lịch miền Tây mùa nước nổi
Rau đồng miền Tây là loại rau dễ ăn, không kén chọn món, hầu như ăn kèm với nhiều đều được. Nhưng thường với người dân miền Tây thì rất thích ăn rau đồng cùng với các loại mắm kho, vừa còn nguyên mùi vị đậm đà của các món ăn, vừa chế biến nhanh gọn lẹ.
Những loại rau đồng mộc mạc thân thương, gần gũi, dễ kiếm dễ tìm, chỉ cần ra ngoài ao hay bước ra sau hè là có. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng một bữa cơm với rau đồng lại thấm đượm vị quê hương. Khiến cho bất cứ ai về miền Tây được thưởng thức các món rau đồng đều thương nhớ, đi xa là lưu luyến mãi không thôi.
Danh mục bài viết
1. Bông điên điển
Mùa nước nổi về cũng là lúc cảnh sắc sông nước miền Tây trở nên sống động nhất. Khi đó ở khắp mọi nơi, từ các bờ kênh, bờ ao, ngoài ruộng… đâu đâu cũng được phủ một màu vàng rực rỡ của những chùm bông điên điển.
Để hái bông điên điển, người dân phải chèo xuồng ra đồng vào lúc sáng sớm để kịp hái những bông chớm nở đem ra chợ bán. Và cũng không quên chừa lại một ít đem về nhà chế biến cho bữa cơm gia đình. Điên điển hái về, ngắt phần cuống và rửa sạch là có thể ăn được.
Điên điển có thể chế biến thành rất nhiều món và món nào cũng hấp dẫn. Muốn đơn giản, không cầu kì thì cứ mang rổ điên điển đi xào với tỏi, một chút thôi là có ngay dĩa điên điển xào tỏi ăn ngon lành cùng với cơm.
Vào những ngày mưa, nếu muốn đổi khẩu vị thì hãy thử ngay với món bánh xèo bông điên điển. Lấy bột gạo pha với nước cốt dừa, cho thêm một chút bột nghệ là có ngay phần vỏ bánh vàng ươm và thơm lừng. Còn nhân thì chính là bông điên điển trộn cùng thịt heo xắt mỏng, một vài con tép đồng. Cuốn bánh xèo bông điên điển cùng chút rau sống, chấm vào chén nước mắm chanh tỏi ớt thì ngon phải biết.
Hấp dẫn hơn nữa chính là món canh chua cá linh bông điên điển. Về miền Tây mùa nước nổi thì nhất định phải tìm thưởng thức món này. Cùng với bông điên điển, cá linh cũng là một loại đặc sản của miền Tây chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi. Cá linh có thịt dai, vị ngọt kết hợp cùng với một chút chát chát của bông điên điển sẽ cho ra một nồi canh chua hương vị đậm đà và quyến rũ.
>>> Đặc sản Cá linh mùa nước nổi
2. Bông súng
Cũng giống như bông điên điển, vào mùa nước về, những cánh đồng bông súng cũng đua nhau khoe sắc và trở thành một loại rau đồng đặc sản của miền Tây. Những bông hoa súng to nhỏ, đủ màu sắc từ trắng trắng, hồng hồng, tím tím phủ khắp các kênh rạch, không chỉ làm đẹp cho cảnh quan thiên nhiên mà còn là nguyên liệu để chế biến thành các món ăn dân dã.
Nổi tiếng nhất là loại súng ma ở khu vực Đồng Tháp Mười, sở dĩ có cái tên như vậy là do loài súng này chỉ nở và ngoi lên mặt nước vào ban đêm, còn ban ngày thì chúng sẽ tàn và chìm xuống mặt nước. Những cây súng ma có chiều dài lên đến 7m, được người dân hái về từ sớm và chế biến thành các món đồng quê.
Bông súng hái về, lột bỏ phần vỏ, rửa cho sạch phèn, cắt thành khúc và để ráo là có thể ăn ngay được. Người dân miền Tây chuộng nhất là món bông súng chấm mắm kho. Một món ăn dân dã, bình dị, hương vị rất đặc trưng và đặc biệt thu hút rất nhiều du khách tìm về thưởng thức.
Mắm được chọn để kho thường là mắm cá linh hoặc mắm cá sặc, hai loại mắm nổi tiếng nhất miền Tây về độ thơm ngon. Mắm sau khi ngâm đủ ngày, lấy ra, băm nhỏ, cho thêm vào là thịt heo ba rọi ngon, sả ớt bằm, tép trấu, một chút gia vị rồi đem nấu cho sôi. Đợi chín bắt xuống là có thể chấm bông súng tươi vào và thưởng thức. Thịt mắm mềm mềm, hương vị đậm đà, thêm chút cay cay, kết hợp với chút bông súng giòn dai, nhai vào sừng sực thì chuẩn một món ăn cực kì bén cơm.
3. Bông sen
Đồng Tháp Mười mùa nước nổi về không chỉ nổi tiếng với bông súng mà còn được biết đến là quê hương của bông sen, quốc hoa của Việt Nam. Với đặc trưng là vùng đất trũng ngập nước quanh năm, lớp nền bùn dày nên nơi đây rất thích hợp cho bông sen sinh sống và phát triển.
Cây sen có thể được chế biến thành rất nhiều món ngon và hầu như bộ phận nào của cây sen cũng sử dụng được. Để thưởng thức ẩm thực độc đáo từ cây sen, bạn có thể tìm về hai tỉnh Long An, Đồng Tháp. Nơi đây có những cánh đồng sen rất rộng và đẹp, vừa tham quan ngắm cảnh vừa được ăn những món ngon.
Ngó sen có lẽ là bộ phận được sử dụng để chế biến món ăn nhiều nhất. và gỏi ngó sen trộn tôm chính là một món quen thuộc. Ngó sen non được hái về, rửa sạch, xắt nhỏ, trộn với tôm đã được luộc chín, bóc vỏ. Thêm đậu phộng, các loại rau và nước sốt chua ngọt, trộn đều, để một chút cho thấm là có thể thưởng thức. Không chỉ giòn giòn lạ miệng, gỏi ngó sen còn giúp thanh lọc cơ thể và giải nhiệt
Thêm một món đặc sản miền Tây nhất định phải thử đó là cơm gói lá sen, một món ăn chỉ ngon nhất khi thưởng thức tại vùng Đồng Tháp Mười. Cơm được nấu từ gạo huyết rồng, hạt sen, đậu hà lan, cà rốt, lạp xưởng, muối mè… cuốn trong lá sen rồi đem hấp chín. Khi cơm chín, lột lớp vỏ lá sen ra là một hương thơm ngào ngạt cùng làn khói trắng bay lên thật hấp dẫn. Vị ngon của các loại nguyên liệu kết hợp với nhau tạo ra một món cơm thật đậm đà và màu sắc bắt mắt, nhìn là muốn ăn ngay.
4. Hẹ nước
Giữa những cánh đồng bưng biềng ngập đầy nước trong mù lũ về, có một loại rong sinh sống dưới đáy và chỉ xuất hiện vào mùa này đó là hẹ nước. Hẹ nước có thân mỏng, dài khoảng 50 – 70cm, thường có màu xanh và độ đậm nhạt thay đổi theo khu vực sinh sống, nơi nào nước chảy mạnh, sâu thì sẽ có màu xanh đậm hơn những nơi còn lại. Hẹ nước có hương thơm rất đặc trưng, giòn xốp và trở thành một đặc sản của miền Tây vào mùa nước nổi.
Hẹ nước thường xuất hiện nhiều vào đầu mùa, đặc biệt là sau vài trận mưa đầu mùa vào khoảng tháng 8 âm lịch và tàn dần cho đến cuối mùa. Hẹ nước có nhiều ở các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, những vùng ngập phèn mặn nhiều nhất của Đồng bằng sông Cửu Long.
Khi hái hẹ nước về, người nông dân sẽ cắt bỏ phần gốc, rễ, rửa sạch nhiều lần với nước cho hết phèn. Hẹ nước ngon nhất có lẽ là để ăn sống, người miến Tây thường ăn sống hẹ nước cùng các loại rau sống, chấm với nước cá kho, thịt kho nhưng tuyệt nhất là chấm với mắm kho. Hẹ nước dai giòn, thơm thoang thoảng một chút mùi phèn, mùi đồng bưng, chấm vào miếng mắm kho cho vào miệng, nhai từ từ và cảm nhận. Càng nhai càng thấy ngọt, thấy bùi như cái tình cái nghĩa của những con người hào sảng miền Tây.
5. Sầu đâu
Vào mùa nước nổi miền Tây, từ tháng 10 đến tháng giêng âm lịch, những cây sầu đâu bắt đầu vào mùa thay lá, ra hoa. Đây cũng là dịp người dân đi hái đọt non kèm nụ, hái lá sầu đâu tươi về bán và chế biến các món ăn.
Sầu đâu là một loại cây mọc dại ven các kênh rạch ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh… Cây trưởng thành cao khoảng 20-25cm, lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng chát nhưng hậu ngọt. Hoa có màu trắng sữa rất đẹp, hoa thơm và ít đắng hơn lá.
Ở miền Tây, sầu đâu thường được dùng làm gỏi trộn với các loại cá khô, An Giang thì trộn với khô cá lóc, còn Kiên Giang, Cà Mau… thì trộn với khô cá sặc. Loại khô nào cũng ngon và có hương vị riêng. Gỏi sầu đâu trộn cá khô có nguồn gốc từ Campuchia và được du nhập vào miền Tây từ những gia đình người Khmer. Dần dần trở thành một món ăn quen thuộc.
Cách chế biến gỏi sầu đâu trộn cá khô cũng khá là đơn giản. Người dân thường sử dụng hoa và lá non trụng sơ qua nước nóng để giảm độ đắng. Khô cá thì được nướng chín rồi xé nhỏ. Hai nguyên liệu trộn chung với nhau, thêm thịt heo luộc, dưa leo, xoài xanh cùng nước mắm chanh tỏi ớt. Chấm gỏi là nước mắm me chua chua ngọt ngọt.
Món gỏi sầu đâu cá khô được quyện hoà trong hương vị thơm ngon của cá, béo ngậy của thịt heo, chút đắng chát của lá sầu đâu. Với những ai thử lần đầu có lẽ sẽ thấy khó ăn, nhưng khi quen rồi thì sẽ thực sự thích thú cái cảm giác đắng chát nơi đầu lưỡi nhưng ngọt vị sau cùng của món này.
6. Đọt choại
Nếu kể đến các loại rau đặc sản của miền Tây mùa nước nổi thì nhất định không được bỏ qua đọt choại. Đọt choại hay còn được gọi là rau choại, đọt chạy, một loại rau thuộc họ dương xỉ và mọc dại bên những vạt rừng hay dọc theo các con kênh.
Đọt choại có nhiều nhất là ở Hậu Giang và trở thành một món đặc sản dân dã. Vào mùa mưa, bà con thường chống xuống đi hái đọt choại về làm các món ăn ngon. Với những bụi choại phía trong rừng sâu, bà con phải đi vào trong những vũng sình lầy để hái. Phần đọt choại ăn được là phần mảnh ở trên đầu cây, phần này uốn cong và rất dễ gãy.
Đọt choại ngon nhất có lẽ là để ăn sống, cảm giác nhai cọng rau giòn giòn, chát chát sẽ rất thích thú. Nếu không ăn được đọt choại sống, hãy thử luộc lên rồi chấm với nước tương hoặc chao cũng ngon không kém. Công phu một chút thì lấy đọt choại xào thịt hay nấu canh chua cá đồng, món nào cũng lạ vị và ngon phải biết.
7. Cây năn
Cây năn (năn bộp) là một loại cây mọc dại trên những đồng nước ngập mặn ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng,… Vào mùa nước nổi chính là khoảng thời gian cây năn phát triển mạnh nhất, đua nhau chen vào cả trong những đồng lúa. Cây năn có cọng suôn dài, to bằng cây đũa, phần ngọn màu xanh còn phần gốc màu vàng nâu do bị bám phèn. Phần ăn được chính là phần gốc năng, dài chừng gang tay, lột bỏ phần vỏ vàng nâu thì bên trong có màu trắng tươi, giòn xốp và có mùi hương rất đặc trưng.
Cũng vì hương vị đặc trưng và chỉ có ở một số tỉnh nên cây năn được xem là một loại rau đặc sản miền Tây. Cây năn ăn ngon nhất có lẽ là vào những ngày mưa nhiều, khi đó trời lạnh, nước thì ngập sâu nên phần non của cây sẽ tươi và ăn được nhiều hơn.
Cây năn bộp rất dễ ăn và dễ chế biến. Đơn giản nhất năn bộp sống chấm cá kho, thịt kho hoặc mắm kho. Dưới trời mưa tí tách, ngồi trong chòi lá, thưởng thức bữa cơm cùng chén mắm kho cùng dĩa năn bộp thì không còn gì bằng. Ngoài ra, năn bộp còn có thể xào chung với thịt, tép bạc, nghêu… hay ăn sống chung với cá lóc nướng trui, cá rô đồng kho hoặc cá trê chiên dầm mắm gừng đều ngon nhức nách.
8. Bồn bồn
Bồn bồn trước đây là một loại cây mọc dại trên những vùng nước mặn nhiễm phèn nhưng trong những năm gần đây đã được biết đến là một đặc sản miền Tây vào mùa nước nổi. Bồn bồn già có thể cao trên đầu người và phần ăn được chính là ở gốc. Muốn thưởng thức món đặc sản này thì bạn hãy ghé đến các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu…
Do là cây mọc tự nhiên nên bồn bồn khá sạch, có vị giòn ngọt, chứa nhiều chất xơ và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt là tốt cho những ai bị táo bón kéo dài. Nhờ có giá trị kinh tế cao mà các tỉnh miền Tây đã bắt đầu trồng bồn bồn trên diện tích rộng.
Bồn bồn có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu để cho ra các món ăn khác nhau. Có thể xào chung với thịt bò, thịt heo, tôm khô, tép bạc…, đem đi nấu lẩu, làm gỏi và dễn ăn nhất là dưa chua bồn bồn. Nếu thử một lần món dưa chua này đảm bảo bạn sẽ không quên hương vị đặc trưng có cả mùi của ngó sen và măng trộn vào nhau, xen lẫn là vị chua chua cay cay, cùng một chút giòn giòn và chua là lạ.
Hoài Nguyễn
Ảnh: Internet