Ẩm thực mùa nước nổi miền Tây

Ẩm thực miền tây mùa nước nổi

Mùa nước nổi về không chỉ làm cho cảnh sắc thiên nhiên Đồng bằng sông Cửu Long trở nên sống động, tươi đẹp hơn mà còn mang lại rất nhiều sản vật phong phú cho ẩm thực miền Tây. Và đây là những món ẩm thực mùa nước nổi cực kỳ hấp dẫn mà bạn nhất định phải thử khi về miền Tây mùa này.

>>> Đặc sản rau đồng mùa nước nổi

1. Cá linh

Nói đến ẩm thực mùa nước nổi miền Tây là mọi người sẽ nghĩ ngay đến cá linh. Cứ khoảng độ đầu tháng 7 âm lịch nước lũ về là cá linh cũng về theo. Cá linh non từ Biển Hồ Campuchia đổ về khắp các nhánh sông, kênh rạch, đến hạ nguồn sông Mekong thì bắt đầu sinh sản.

Cá linh mùa nước nổi
Cá linh mùa nước nổi

Cá linh đầu mùa thường nhỏ bằng ngón tay út nhưng hương vị lại rất thơm ngon và béo ngậy. Cá linh lớn hơn một chút khi ăn sẽ có vị đắng đắng của mật cá, thịt dai mềm. Về miền Tây mùa nước nổi thì cứ hễ đi đến đâu cũng sẽ được những người nông dân hào sảng đãi các món ngon được chế biến từ cá linh.

Những món ngon từ cá linh
Những món ngon từ cá linh

Cá linh là loài cá rất dễ ăn và chế biến được rất nhiều món. Tùy theo mỗi vùng cũng như mỗi nhà sẽ có cách chế biến khác nhau. Thông dụng nhất là món canh chua cá linh bông điên điên. Canh chua được nấu từ me cùng các gia vị rau thơm, cho vào là những bông điên điển vàng rực cùng những chú cá linh to, thịt thơm bùi béo là một sự kết hợp vô cùng hoàn hảo.

Ngoài ra còn có rất nhiều món từ cá linh như cá linh nướng, cá chiên bột cuốn bánh tráng, cá linh kho mía, cá linh kho tiêu, mắm cá linh… món nào cũng đậm đà và cực kỳ hấp dẫn, nếu có dịp về miền Tây mùa nước nổi thì nhất định không được bỏ qua.

>>> Các món ngon từ Cá linh nhất định phải thưởng thức

2. Cá heo

Cá heo nước ngọt là một loài cá da trơn và thường xuất hiện ở sông ngòi miền Tây vào mùa nước về, đặc biệt là có nhiều ở những nơi có nước chảy xiết. Được gọi là cá heo không phải bởi do có hình dạng giống cá heo sống ở biển mà là do khi bắt lên loài cá này sẽ phát ra âm thanh “éc éc” rất vui tai lại giống tiếng heo kêu nên được bà con đặt cho cái tên cá heo.

Cá heo mùa nước nổi
Cá heo mùa nước nổi

Cá heo có nhiều ở thượng lưu sông Hậu và sông Tiền, càng về gần xuống hạ lưu sẽ càng ít dần. Cá heo chỉ to bằng khoảng 3 ngón tay, dài khoảng 1 tấc, da căng hồng nhìn rất đẹp mắt.

Trước đây, cá heo là một món ăn của những người dân nghèo vào mùa nước nổi, nhưng giờ đây loài cá này đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng. Cá heo được chế biến thành rất nhiều món, cá heo kho tiêu, cá heo nấu canh chua, cá heo nướng muối ớt… món nào cũng đậm đà chua cay mặn ngọt.

Cá heo kho tộ
Cá heo kho tộ

Đặc biệt nhất và hấp dẫn nhất có lẽ là món cá heo kho tộ. Tiêu chuẩn để có được một nồi các heo kho tộ ngon là cá heo kho chín vẫn giữ được nguyên con, không bị bở, da cá phải bóng, nước kho vàng ươm có độ sánh, sền sệt và bốc mùi thơm của nước mắm. Một nồi cá kho đơn giản nhưng lại vô cùng hấp dẫn, rất thích hợp cho một buổi cơm chiều dưới những cơn mưa đầu mùa miền Tây.

3. Cá lóc

Cá lóc là một loài cá đặc sản trong ẩm thực sông nước miền Tây, cá có thịt chắc, ngọt và dai. Trong những năm gần đây, cá lóc tự nhiên dường như còn rất ít, người dân chỉ có thể tìm mua và thưởng thức cá lóc nuôi theo bè. Vì thế mùa nước nổi về là dịp nông dân ra ênh rạch tìm bắt cá lóc tự nhiên hay còn gọi là cá lóc đồng. Cá lóc đồng tuy nhỏ hơn cá lóc nuôi, nhưng thịt ngọt ngon và thơm hơn nhiều.

Bắt cá lóc ngoài đồng ruộng
Bắt cá lóc ngoài đồng ruộng

Ngoài món canh chua cá lóc đã quá nổi tiếng, nếu về miền Tây mùa nước nổi, bạn hãy thử một lần với món các lóc nướng trui, mà phải nướng với rơm mới đúng kiểu dân dã miền Tây.

Món này làm cũng khá đơn giản, không cầu kì, cá lóc bắt ngoài đồng về, chỉ cần rửa sạch nhớt, để nguyên con rồi xiên vào que tre hay bất kì loại cây nào có sẵn ngoài đồng. Cắm xuống đất rồi phủ rơm lên và nướng, rơm thì phải phủ vừa đủ, che hết thân cá, nếu ít rơm cá sẽ sống hoặc chín không đều. Canh cháy hết thì lại thêm rơm vào, đến khi nào thấy có mùi thơm và da cá vàng cháy là được.

Hấp dẫn cá lóc nướng trui
Hấp dẫn cá lóc nướng trui

Cá lóc nướng chín, để lên lá chuối xanh, cạo sạch lớp than và vảy khét, tách ra là sẽ thấy ngay lớp thịt trắng phau bốc khói nghi ngút cực kì hấp dẫn. Cá lóc nướng trui ăn ngay ngoài đồng thì mới đúng bài, gắp một miếng thịt cá, chấm vào chén muối ớt, cho vào miệng rồi thưởng thức, bao nhiêu cái đậm đà của ẩm thực mùa nước nổi dường như đều ẩn chứa trong đó.

4. Cá rô

Ở miền Tây, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu đổ xuống cũng là lúc đến mùa cá rô đồng. Những con cá mập mạp, ục ịch về theo từng đàn, quăng cái chài thôi là được một rổ. Không chỉ rúc trong các bụi lúa hay cỏ dại dưới ao, những con cá rô đồng lại đua nhau nhảy lên bờ, và đây là dịp để tụi con nít đua nhau bắt về cho má nấu những món ăn thật ngon.

Đặc sản cá rô đồng
Đặc sản cá rô đồng

Không mùa nào thịt cá rô tự nhiên lại ngon như mùa này, vừa săn chắc vừa béo béo, làm món nào cũng hợp với cơm. Dân thành phố mà về miền Tây vào mùa này thì đều ráng tìm mấy món cá rô để thưởng thức. Trong đó dân dã nhất, đậm đà nhất có lẽ là cá rô kho tộ.

Rau luộc chấm cá rô kho tộ
Rau luộc chấm cá rô kho tộ

Để có một nồi cá rô kho tộ thật ngon thì nhất định phải kho trong nồi đất. Cá làm sạch cho hết nhớt, tẩm ướp gia vị theo công thức riêng của các chị các mẹ, nhưng nhất định phải có tiêu xay, hành lá, tóp mỡ, ớt xắt… đợi cho thấm vị rồi bắt lên kho liu riu.

Nồi cá kho chín sẽ có mùi thơm phức, da cá vàng ươm, nước kho sền sệt…  ăn cùng cơm trắng nóng hổi, thêm dĩa rau luộc thì không còn gì sánh bằng.

5. Chuột đồng

Chuột đồng là loài chuột sống rất nhiều trên những nương rẫy, đặc biệt là ở những cánh đồng lúa mênh mông tại miền Tây. Những chú chuột này sẽ đào hang trú ẩn trong những mô đất cao ngoài bờ ruộng. Thức ăn chủ yếu là hạt lúa nên thịt chuột đồng rất sạch và ngon.

Bắt chuột đồng ngoài ruộng lúa
Bắt chuột đồng ngoài ruộng lúa

Thường bắt đầu mùa nước nổi là khoảng thời gian người dân vào mùa thu hoạch lúa, đây cũng là dịp bà con rủ nhau săn bắt chuột đồng. Cảnh tượng mọi người đua nhau bắt những con chuột chạy tán loạn trên những cánh đồng lúa mới gặt thật sự rất vui và sống động, nếu có dịp về miền Tây mùa này hãy thử cùng người dân bắt chuột đồng, thật sự rất thích thú.

Nhìn những con chuột to ụ, đầy lông có lẽ nhiều người sẽ thấy có chút sợ sệt, nhưng hãy thử ăn một lần, đảm bảo sẽ ghiền món này. Món nổi tiếng nhất ở miền Tây chính là thịt chuột nướng, những con chuột béo sau khi được cạo sạch lông, làm sạch bụng, tẩm ướp gia vị rồi để lên bếp than nướng.

Chuột nướng bếp củi
Chuột nướng bếp củi

Trở cho đều tay để chuột không bị khét, khi chuột vàng bóng, thơm phức, thịt ráo thì là chín. Chuột nướng đạt chuẩn sẽ tỏa mùi rất thơm, da giòn còn thịt bên trong mềm. Thử một lần thôi là đảm bảo bạn thích cái vị khác lạ, thơm ngon của  món này.

6. Rắn đồng

Miền Tây sông nước là nơi sinh sống của rất nhiều loài rắn, vào mùa nước nổi, nước về ngập tràn hết các cánh đồng, ao mương, những tổ rắn sẽ bị ngập nước, rắn sẽ không còn nơi trú ngụ sẽ ngoi lên mặt nước. Và đây là dịp để bà con Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa săn rắn đồng.

Rắn đồng miền Tây
Rắn đồng miền Tây

Để bắt rắn đồng, bà con nông dân thường men theo bờ ruộng tìm hang rắn để đào và bắt. Đơn giản hơn là chèo xuồng trên những cánh đồng ngập nước, tìm và vớt những con rắn bị trôi theo dòng nước.

Ẩm thực mùa nước nổi từ nguyên liệu là rắn đồng rất phong phú, món nào cũng ngon. Du khách về miền Tây mùa này thường tìm món cháo đậu xanh rắn đồng, rắn xào lăn, rắn nướng trui… để thưởng thức cho bằng được.

Lẩu rắn hầm đu đủ
Lẩu rắn hầm đu đủ

Còn muốn mang về làm quà thì bạn có thể chọn món khô rắn. Những con rắn nước, rắn bông súng, rắn ri… bà con ăn không hết sẽ đem đi phơi khô. Rắn khô được ướp gia vị rồi đem phơi dưới nắng, chỉ vài con nắng ráo của miền Tây là khô hẳn và có màu tự nhiên đẹp mắt. Rắn khô chỉ cần đem nướng trên bếp than, đợi chút là sẽ chín và tỏa mùi thơm phức. Rắn khô chấm mắm me hoặc muối ớt, thêm xị rượu đế thì đủ để ấm bụng lai rai trong buổi chiều mưa rồi.

7. Lươn đồng

Hễ nói đến ẩm thực mùa nước nổi miền Tây thì phải nhắc ngay đến lươn đồng vì mùa này lươn sẽ có rất nhiều. Để bắt được lươn thì có nhiều cách như đặt lọp, đặt trúm ngay những nơi gần lung bàu hoặc đi men theo các bờ sình, tìm hang lươn rồi dùng tay bắt. Bắt được nhiều hay ít còn tùy thuộc vào độ điệu nghệ của người bắt lươn.

Lươn đồng trong các vũng sình lầy
Lươn đồng trong các vũng sình lầy

Do lươn thiên khó tìm và khó bắt nên thường có giá rất cao, ngoài ra lươn đồng còn có rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như bồi bổ khí huyết, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng…

Canh chua lươn nấu mẻ
Canh chua lươn nấu mẻ

Lươn đồng dễ ăn và dễ chế biến nên có thể chế biến thành rất nhiều món ngon, bổ dưỡng như lươn xào xả ớt, lươn nấu chao, lươn nướng… trong đó lạ miệng nhất là lươn nấu mẻ bắp chuối. Món này nấu khá đơn giản và giữ được hương vị đặc trưng của lươn. Bữa cơm sẽ ngon lành hơn nếu có tô canh lươn nấu mẻ bắp chuối, nước mẻ chua chua, bắp chuối giòn giòn cùng với thịt lươn mềm thơm, béo ngậy, đảm bảo hết sạch nồi cơm.

8. Cua đồng

Cua đồng ở miền Tây hầu như mùa nào cũng có nhưng nhiều nhất và ngon nhất có lẽ là vào mùa nước nổi, từ khoảng tháng 7 đến tháng 11 âm lịch. Khi đó nước về ngập đồng, cua thường trú trên những ruộng lúa.

Cua đồng mùa nước nổi
Cua đồng mùa nước nổi

Mùa này bà con nông dân thường rủ nhau ra đồng bắt cua, chỉ một chút thôi là có một giỏ đầy cua mang về. Về miền Tây mùa nước nổi, đặc biệt ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long An bạn sẽ thấy ở các chợ người ta bán rất nhiều loại đặc sản này.

Cua đồng luộc sả ớt
Cua đồng luộc sả ớt

Cua đồng vào mùa nước nổi có kích thước to hơn mùa khô, thịt mặc dù không nhiều như cua biển nhưng chắc, dai, vị ngọt và có mùi đặc trưng của hương đồng gió nội. Phần thân và càng cua có thể đem đi xay nhuyễn để nấu lẩu, bún riêu hay canh rau đồng. Phần càng to bự có thể đem đi hấp xả hay rang muối. Dễ ăn nhất là đem nguyên con đi luộc xả ớt rồi nhâm nhi cùng với một chén muối tiêu chanh, đảm bảo ngon thôi rồi.

9. Ốc bươu

Tại miền Tây, ốc bươu có rất nhiều ở các ao hồ, đồng ruộng, những con ốc này có vỏ tròn, màu đen tuyền. Đặc biệt là vào mùa nước nổi (từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch) là khoảng thời gian ốc bươu phát triển và sinh sản rất nhiều. Đây cũng chính là dịp để người dân miền Tây đi bắt về để chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn.

Ốc bươu có rất nhiều trong các kênh rạch miền tây
Ốc bươu có rất nhiều trong các kênh rạch miền tây

Hiện nay, các món ăn từ ốc bươu đã trở nên nổi tiếng và trở thành đặc sản trong các nhà hàng lớn nhỏ. Do đó ngoài bắt về để ăn, người dân còn mang ra chợ bán để kiếm thêm tiền trang trải cho sinh hoạt hằng ngày.

Ốc bươu khi chế biến có hương vị rất thơm ngon, thịt mềm dai, vị ngọt. Ốc bắt về ngâm với nước sạch hoặc nước vo gạo để qua đêm cho ốc nhả hết sình bùn là có thể đem đi chế biến.

Đặc sản ốc bươu nướng tiêu
Đặc sản ốc bươu nướng tiêu

Một món mà có lẽ đã trở thành thương hiệu của loại ốc này chính là ốc bươu nướng tiêu. Chỉ cần đơn giản là một cái bếp than đỏ, một chiếc vỉ và cho ốc lên nướng, một hồi thấy miệng ốc sôi và bật nắp ra thì cho muối tiêu cùng các gia vị nêm nếm vào. Đợi thêm một chút là có ngay món ốc nướng thơm ngon, ăn chơi hay ăn với cơm đều tuyệt hảo.

Hoài Nguyễn

Ảnh: Internet

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

error: