“Vương quốc đỏ” – Là cái tên thân thương mà người dân miền Tây đặt cho Làng gạch cổ Mang Thít, nơi có vô vàn lò gạch cổ, lò gốm đỏ nằm san sát dọc bờ sông Cổ Chiên và kéo dài hàng chục km. Dưới ánh nắng Mặt Trời chiếu lên, bạn sẽ thấy từng mái lò, từng hàng gạch xếp chống lên nhau thật rực rỡ, lung linh nhuộm màu thời gian.
Mời các bạn xem video Điểm danh những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo ở Vĩnh Long tại đây với tụi mình nhé
Về miền Tây thì nhất định phải ghé thăm Vĩnh Long, nơi không chỉ có những vườn trái cây tươi tốt, những cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà còn có một “Vương quốc đỏ” lung linh, nằm hiền hòa bên dòng sông Cổ Chiên hữu tình.
>>> Xem ngay: Những ngôi chùa Khmer ở Vĩnh Long có kiến trúc độc đáo
Danh mục bài viết
Làng nghề gạch, gốm Vĩnh Long ở đâu?
Làng nghề gạch gốm Vĩnh Long (hay còn được gọi với cái tên Làng gạch cổ Mang Thít – Làng nghề gốm Cổ Chiên) đã tồn tại hơn trăm năm. Và là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ lớn nhất miền Tây với số lượng hộ gia đình theo nghề nhiều nhất.
Làng gạch cổ Vĩnh Long trải dài trên 30km đi qua huyện Long Hồ, huyện Mang Thít và thành phố Vĩnh Long. Tập trung nhiều cơ sở sản xuất nhất là ở hai xã Mỹ An, Nhơn Phú của huyện Mang Thít. Để đến được đây, bạn hãy đi theo quốc lộ 53, rẽ vào đường tỉnh 903 sau đó tiếp tục chạy thẳng gặp ngã ba là đến đường tỉnh 902 nằm dọc theo sông Cổ Chiên. Hỏi người dân để biết chỗ nào có nhiều lò gạch nhất để tham quan nhé.
Gạch gốm Mang Thít từ lâu đã trở nên rất nổi tiếng, không chỉ ở Đồng bằng Sông Cửu Long mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Nằm dọc theo dòng Cổ Chiên đến sông Mang Thít, những lò gạch, lò gốm mọc lên. Nhìn xa xa sẽ tựa như những tòa lâu đài cổ xưa rực rỡ dưới ánh nắng vàng, khiến ai đển rồi đều sẽ ngỡ ngàng như lạc vào một thế giới huyền ảo, mộng mơ.
Làng gạch cổ Mang Thít – Làng nghề truyền thống lâu đời
Dòng sông Cửu Long chảy hiền hòa qua các tỉnh miền Tây, không chỉ mang đến lượng phù sa màu mỡ tích tụ qua nhiều năm mà còn bồi lắng thành những mỏ đất sét quý giá. Tận dụng nguồn khoáng sản mà thiên nhiên ban tặng, người dân Vĩnh Long đã nhào nặn và thồi hồn vào từng khối đất sét, tạo thành những sản phẩm gạch gốm đầy tinh túy.
>>> Xem ngay: Đặc sản Vĩnh Long nức lòng du khách
Một lò gạch được người dân xây dựng sẽ có độ cao khoảng 12m. Thời gian để tải và dỡ gạch là 5 ngày, thêm 15 ngày để nung, 10 ngày xây cửa lò và chờ cho gạch được nguội. Nguyên liệu để nung gach sẽ là trấu, người ta phải thường xuyên kiểm tra, canh lửa để mẻ gạch chín vừa đúng.
Sau một tháng nung liên tục dưới lửa nóng thì bà con sẽ thu được khoảng 120.000 viên gạch với màu đỏ au đẹp mắt. Trước đây, gạch thành phẩm được đem đi bán khắp các tỉnh miền Tây chủ yếu bằng tàu ghe nhưng hiện nay giao thông phát triển nên bà con đã chuyển dần sang vận chuyển bằng xe tải.
Làng nghề gạch Vĩnh Long đã trải qua hơn thế kỷ, dãi dầu sương gió cũng như chứa đựng sự sáng tạo không ngừng nghỉ của người dân nơi này. Lúc mới hình thành, nơi đây chỉ chuyên làm gạch ngói, gạch tàu, gạch tiểu, ngói âm dương cho các đình chùa. Ban đầu gạch được sản xuất hoàn toàn bằng thủ công, từ năm 1960 thì bắt đầu làm bằng máy sản xuất gạch ống, gạch tàu, gạch thẻ. Cho đến năm 1980, khi có một công ty của Đức đến sản xuất gốm xuất khẩu thì các chủ lò mới cho người đi Biên Hòa, Bình Dương để học nghề làm gốm.
Những nét độc đáo của Làng nghề gốm Cổ Chiên
Làng nghề gốm Cổ Chiên chỉ mới xuất hiện và tồn tại khoảng 20 năm, phát triển mạnh mẽ nhất là trong giai đoạn 2007 – 2008. Gốm đỏ Cổ Chiên rất đa dạng với hai dòng chính là gốm xây dựng, nội thất và gốm trang trí sân vườn. Bên cạnh các sản phẩm gốm truyền thống, các nghệ nhân còn nghiên cứu sản xuất các dòng gốm mới như gốm giả đồng, gốm đen, gốm men… Đặc biệt là dòng gốm không men với màu sắc đặc trưng được nhiều khách hàng ưa thích.
Nghề sản xuất gốm đỏ Cổ Chiên mang nhiều nét đặc trưng riêng, không lẫn với những làng nghề truyền thống nào khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi gia đình sẽ là một xưởng sản xuất gốm tách biệt. Lao động sản xuất gốm chính là thành viên trong gia đình, họ hàng hoặc đôi khi thuê thêm nhân công, có những xưởng có quy mô lớn phải thuê cả chục nhân công để kịp sản xuất đáp ứng nhiều đơn hàng.
Trước đây, người dân Vĩnh Long thực hiện nung gốm bằng các lò than thủ công. Nhưng hiện nay bà con đã chuyển dần sang sử dụng các lò gas để nung gốm và sấy sản phẩm bằng lò điện. Mặc dù kỹ thuật làm gốm tương tự nhau nhưng gốm đỏ Vĩnh Long lại mang nét đặc trưng hơn so với gốm đỏ của các tỉnh miền Đông do nguyên liệu sản xuất là đất sét phù sa, chỉ kết khối ở nhiệt độ 9000 độ C.
Thuở xưa, khi nghề làm gạch gốm thủ công truyền thống còn thịnh vượng, mỗi nhà ở đây đều có đến vài miệng lò. Điều đáng tiếc là ngày nay, nghề làm gạch gốm thủ công dần dần bị mai một, nhiều chủ lò đã ngưng sản xuất mà chuyển sang làm đại lý bán các sản phẩm gốm để ăn hoa hồng. Những lò gạch gốm cổ xưa trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn cho những ai yêu thích xê dịch cũng như muốn tìm hiểu về một làng nghề nổi danh một thời.
Đến tham quan làng gốm vào những thời gian vô mùa, bạn sẽ phải ngỡ ngàng trước khung cảnh những lò gach cổ nằm san sát nhau, nhìn từ xa như một vương quốc với các tòa lâu đài đỏ, mờ mờ ảo ảo trong những làn khói trắng nhả ra từ những ống khói cao ngút trời. Đặc biệt, bạn còn có thể trải nghề làm gốm hoặc mua gốm về làm quà tặng bạn bè, người thân.
Hoài Nguyễn
Ảnh: Internet