Trải nghiệm miền tây có gì? Miền tây thân thương, nơi có những con người bình dị, hào sảng, nơi có những cảnh vật thanh bình và đặc biệt có những trải nghiệm tuyệt vời mà hầu như bạn khó có thể kiếm được ở những nơi khác.
Danh mục bài viết
1. Đặt lọp, gài lưới bắt cá, tôm, cua
Miền Tây sông ngòi chằng chịt, nghề mưu sinh của bà con lâu đời nay đều gắn liền với những con nước, kênh rạch lớn nhỏ. Để bắt tôm cua cá để ăn hay bán kiếm tiền, bà con thường đặt lợp hay gài lưới. Nếu có dịp về với miền Tây, hãy thử trải nghiệm hoạt động này, bạn sẽ cảm thấy thích thú cho xem.
Lọp là một dụng cụ được đan bằng tre, dây lưới, với thiết kế đặc biệt, tôm cua cá chỉ có thể đi vô chứ không thể nào thoát ra được. Về miền Tây mà nhắc đến lọp, đến lưới thì hầu người nào cũng biết. Sử dụng thì cũng đơn giản thôi, chỉ cần đặt men theo bờ kênh, bờ ruộng, để qua đêm thì kiểu gì sáng hôm sau cũng có tôm cá mắc vào. Đặc biệt là vào mùa nước nổi, trên các cánh đồng ngập đầy nước, bạn sẽ thấy hình ảnh những chiếc lọp, chiếc lưới được bà con gài khắp mọi nơi, bắt về nào là tôm, cua, cá lóc, cá rô, cá trê, đôi khi là con dính cả lươn, rắn
2. Tát mương bắt cá đồng
Du lịch miền tây mà không một lần trải nghiệm tát mương bắt cá đồng thỉ quả thực uổng phí chuyến đi của bạn. Tự tay xắn quần, lội xuống mương, tát nước để bắt được những con cá đồng tươi rói sẽ là những phút giây cực kì gay cấn, hồi hộp và tràn đầy tiếng cười sảng khoái.
Tát mương bắt cá là một hoạt động quen thuộc nhưng lại mang giá trị văn hóa trong đời sống của người dân miền tây mà hiếm nơi nào có được. Thuở xưa tôm cá đầy đồng, bà con thường rủ nhau tát sạch nước ở những kênh mương nhỏ, khi tát gần hết nước, trơ lại đầy sình đất thì cũng là lúc những chú cá đồng nhảy hiện ra lúc nhúc nhìn mê mắt.
Trải nghiệm tát mương bắt cá, bạn sẽ được hóa thân thành những người nông dân miền tây thực thụ, thử sức với độ nhanh nhẹn, khéo léo và tinh mắt thì mới có thể bắt được những con cá ẩn mình dưới lớp sình. Khi bắt được rồi thì lại vô cùng hả hê với thành quả mà mình bắt được cho xem.
3. Đục hàu
Đục hàu là một trong những trải nghiệm mà hầu như ai về miền tây, đặc biệt là ở miệt Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu đều muốn thử sức. Hàu ở nơi đây rất nhiều, thơm ngon và nhiều kích cỡ, thường hàu bám vào các rặng dừa nước thì sẽ nhỏ và dễ đục hơn những con hàu sống bám vào những ghềnh đá cửa biển, đặc biệt là ở Cà Mau còn có loại hàu bám vào các cửa cống vuông tôm, các đập nước ngăn mặn.
Dụng cụ để đục hàu thường chỉ có búa và cây dao là có thể hành nghề, lưu ý là phải biết bơi vì bạn phải xuống dưới nước thì mới có thể đục được hàu. Đặc biệt, muốn đục được hàu to thì phải lặn xuống gần đáy sông để móc ở thân cây, tảng đá. Vỏ hàu thường rất cứng và sắc bén nên bạn phải hết sức cẩn thận để tránh đứt tay, đứt chân. Chịu khó đục một chút là bạn sẽ có ngay một rổ hàu tươi rói để lai rai rồi đó.
4. Chèo xuồng ba lá
Du hí Đồng bằng sông Cửu Long, nếu yêu thích những chiếc xuồng ba lá nho nhỏ, xinh xinh lướt nhẹ nhàng qua những con sông rợp bóng mát thì tại sao bạn không thử tự tay chèo nó. Chắc chắn đây sẽ là một trải nghiệm ấn tượng mà bạn không thể nào quên về miền tây yêu thương.
Xuồng ba lá là những chiếc xuồng nhỏ được làm bằng gỗ, là phương tiện chính của bà con sinh sống ở vùng sông nước. Hầu như với bất kì ai, từ trẻ nhỏ cho đến người già đều quen thuộc với hình ảnh chiếc xuồng ba lá thân thương, tuy nhiên không phải ai cũng có thể chèo được nó, đặc biệt là với khách du lịch. Cảm giác bước xuống chiếc xuồng lắc lư chới với như muốn té sẽ cực kì kích thích, chưa kể bạn không biết điều khiển, chiếc xuồng sẽ không thể nào đi theo hướng mà bạn mong muốn.
5. Đi cầu khỉ lắc lư bắc qua sông
Từng được xếp hạng là một trong những cây cầu nguy hiểm nhất thế giới, cầu khỉ xứng đáng là một trải nghiệm tuyệt vời cho bạn khi ghé đến miền tây. Đặc thù miền tây là đâu đâu cũng có sông ngòi, để qua lại giữa hai bên bờ, ngoài xuồng thì bà con còn dựng lên những cây cầu. Do thời xưa chưa phát triển nhiều nên bà con chỉ sử dụng những cây tre, cây gỗ hay thân dừa bắc qua sông, dần dần trở thành một hình ảnh quen thuộc của nơi này.
Chiếc cầu khỉ nhìn đơn giản nhưng không phải ai cũng dám bước qua, dáng vẻ mong manh bắc ngang qua những con sông sâu, chỉ có một tay vịn hoặc đôi khi không có sẽ là thử thách hơi mạo hiểm. Bước lên chiếc cầu lắc lư, lối đi chỉ vừa bàn chân, phía dưới là dòng nước đang chảy sẽ khiến bạn có chút lo sợ, nếu đi không vững sẽ té như chơi. Tuy nhiên qua được rồi sẽ thở phào sung sướng và muốn đi thêm vài lần nữa cho đã.
6. Lội sình bắt sò ốc
Để cảm nhận một vùng quê miền tây yên bình và giản dị, hãy thử trải nghiệm lội xuống sình, tự tay bắt những con sò con ốc về chế biến những món ăn thật ngon. Ở miền tây, ngay cửa các con sông lớn hay bãi biển thường là những bãi bồi đầy sình kéo dài hàng chục mét. Đến mùa nước ròng, mọi người thường mưu sinh trên những bãi bồi này để bắt sò óc, cua tôm, ba khía.
Kí ức mò cua bắt ốc chợt như ùa về khi bạn lội xuống những bãi sình này, khi mà chưa có những thiết bị công nghệ hiện đại, cứ mỗi chiều chiều là tụi nhỏ lại rủ nhau đi lội sình, vừa để vui chơi vừa để kiếm ít sò ốc về cho má nấu cơm. Một trải nghiệm hết sức mộc mạc tựa như một chiếc vé đưa bạn trở về với tuổi thơ và tạm quên đi hết những mệt mỏi của cuộc sống xô bồ.
7. Bắt chuột đồng miền tây
Chuột đồng miền tây, món ăn đặc sản của miền lúa này nhưng không phải ai cũng dám thưởng thức. Chuột ở miền tây rất nhiều, chúng ăn lúa và đào hang sinh sống bên những bờ ruộng. Ghé đến miền tây, nhất là vào mùa thu hoạch bạn sẽ được trải nghiệm bắt chuột đồng cực kỳ hấp dẫn và thú vị.
Có nhiều cách để bắt chuột đồng, người ta thường dũng bẫy gài vào ban đêm, buổi sáng ra đồng là thế nào cũng bắt được vài con. Nhưng nếu muốn bắt được số lượng lớn thì phải đào hang chuột để bắt. Dụng cụ cần có là một cái xẻng hay cuốc đào đất, đặc biệt là dắt theo một chú chó để nó đánh hơi, cứ thấy hang chuột cứ bới lên mà bắt. Ngoài ra còn có một kiểu gọi là bắt chuột cù, tức là lúc thu hoạch lúa, khi chỉ còn trơ lại những gốc rạ, những con chuột hết chỗ trú ngụ sẽ chạy tán loạn, mọi người chỉ cần rượt theo bắt, cả không gian trở nên đầy sôi động, nhộn nhịp và ai nấy đều cười ha hả rất vui.
8. Thu hoạch trái cây
Miền Tây thì đúng là xứ sở của các loại trái cây rồi, mùa nào cũng có, đủ loại cây loại trái thơm ngon bổ dưỡng. Về đây ra chợ nào cũng sẽ có các sạp bán đủ loại trái, bạn tha hồ mua về ăn, tuy nhiên để thích hơn thì bạn hãy thử trải nghiệm một ngày làm nông dân, về vườn và tự tay thu hoạch từng chùm trái chín trĩu cành.
Được mẹ thiên nhiên ưu đãi, cây trái miền tây lúc nào cũng xum xuê, vườn tược xanh tươi mướt mắt. Nào là cam, quýt, bưởi, mận, chôm chôm, vú sữa, sầu riêng, măng cụt, dâu xanh, ổi, xoài, mít, nhãn,… Các vườn trái cây thường sẽ thu hoạch vào mùa hè từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, nên hãy ưu tiên những tháng này để về miền tây. Một số miệt vườn bạn có thể ghé đến đó là:
- Miệt vườn Cái Bè – Tiền Giang
- Miệt vườn Vĩnh Kim – Tiền Giang
- Miệt vườn Mỹ Khánh – Cần Thơ
- Miệt vườn Cái Mơn – Bến Tre
- Miệt vườn An Bình – Vĩnh Long
- Cồn Phụng – Bến Tre
- Cù Lao Tân Quy – Trà Vinh
9. Lai rai bên bờ ruộng
Người dân miền tây dân, bình dị trong mọi thứ, từ ăn uống, quần áo, nhà cửa và đặc biệt là nếp sống sinh hoạt, kiểu đơn sơ nhưng thoải mái, không rườm rà và đặc biệt lúc nào cũng gần gũi với thiên nhiên, hương đồng gió nội. Cái sự hào sảng ăn vào máu của những người nông dân tần tảo quanh năm bên ruộng đồng. Về miền tây, bạn sẽ gặp những con người như vậy và nếu đủ thân thương, bạn sẽ được mời trải nghiệm một buổi chiều lai rai bên bờ ruộng hết sức dân dã.
Không cần cầu kì bàn ghế, đơn giản là một chiếc chiếu cũ hay vài chiếc lá chuối trải xuống đất. Dọn là vài dĩa mồi gồm cá nướng, gà nướng, chén nước mắm đậm mùi, chén muối ớt, vài trái chuối xanh, trái khế chua… đặc biệt là xị rụ đế là đủ để anh em lai rai. Giữa khung cảnh mênh mông bát ngát của lúa, của từng làn gió mát cùng với những câu chuyện về tình làng nghĩa xóm, tự khắc bạn sẽ cảm nhận mọi thứ thật chân thành và ấm áp. Cảnh vật sẽ càng yên bình hơn khi vang lên đâu đó tiếng ếch kêu, tiếng chim gọi bầy, tiếng ếch nhái râm ran.
Hoài Nguyễn
Ảnh: Internet