Ở miền Tây, Làng nghề thủ công là nét đẹp văn hóa không thể thiếu của người dân nơi đây. Những làng nghề truyền thống này không chỉ nuôi sống hàng trăm con người lao động, mà còn góp phần duy trì một văn hóa, tưởng như đã không còn tồn tại ở vùng Tây Nam Bộ.
>>> 9 Trải nghiệm tuyệt vời chỉ có ở miền Tây
Danh mục bài viết
1. Làng nghề chằm nón lá Thới Tân ở Cần Thơ
Mảnh đất Tây Đô, Cần Thơ từ lâu đã quyến rũ du khách bởi khung cảnh sông nước trữ tình, nên thơ. Thế nhưng, nếu ai đã từng đặt chân đến nơi này thì chắc hẳn sẽ biết rằng ngoài 2 địa điểm nổi tiếng ở Cần Thơ là Chợ nổi Cái Răng và Bến Ninh Kiều thì tại đây vẫn còn tồn tại một làng nghề truyền thống nổi tiếng đó là nghề chằm nón lá Thới Tân – Cần Thơ
Làng nghề chằm nón lá Thới Tân ở ấp Thới Tân An, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ. Người dân nơi đây cũng không biết tổ nghề là ai và xuất hiện từ khi nào chỉ biết làng nghề này đã có hơn 70 năm tuổi. Hiện nay Cần Thơ đã thành lập được Nghiệp đoàn chằm nón với trên 36 hộ dân tham gia.
Đến với Làng nghề chằm nón Thới Tân, các bạn sẽ được tìm hiểu và trải nghiệm quy trình làm ra một cái nón đúng chuẩn. Với đôi tay khéo léo của những nghệ nhân nơi đây đã làm ra những chiếc nón không chỉ che mưa, che nắng.. mà chiếc nón lá này còn tạo nên nét duyên dáng cho người phụ nữ Miền Tây.
2. Làng dệt thổ cẩm Văn Giáo ở An Giang
Mặc dù chưa nổi tiếng như thổ cẩm Chăm của Ninh Thuận hay lụa của Tân Châu, nhưng với sự độc đáo riêng vốn có, thì thổ cẩm Khmer Văn Giáo, Tịnh Biên được xem là sản phẩm văn hóa đặc sắc của dân tộc Khmer ở An Giang
Khi đến thăm làng người Khmer ở xã Văn Giáo thuộc huyện Tịnh Biên, các bạn sẽ được trải nghiệm và tham quan rất nhiều điều thú vị. Với những sản phẩm rất phong phú và đa dạng, đầy đủ màu sắc với những hoa văn sắc sảo. Được vậy là nhờ những bàn tay khéo léo của những nghệ nhân người Khmer đã làm những sợi chỉ đơn sắc, thô sơ trở thành những tấm thổ cẩm đầy màu sắc và sinh động.
Hiện nay, các sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Văn Giáo còn được xuất hiện trong các địa điểm bán đồ lưu niệm ở các chợ An Giang. Nếu các bạn một lần được tham quan làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo thì đó quả là trải nghiệm thú vị.
3. Làng nghề nắn nồi đất Hòn Đất ở Kiên Giang
Nghề nắn nồi đất là một làng nghề đặc trưng ở vùng miền Tây sông nước. Nghề này có xuất xứ tại Hòn Đất ở Kiên Giang, xuất hiện từ cuối thập niên 1920. Người dân truyền miệng rằng tổ nghề là người Khmer, sau này người Kinh đã học làm và duy trì nghề đến tận ngày nay.
Nhờ ở Kiên Giang có nguyên liệu đất sét tốt, độ kết dính cao nên những sản phẩm đất nung được sản xuất từ làng nghề nắn nồi đất Hòn Đất có chất lượng rất tốt, chịu được nhiệt cao hơn nhiều so với những sản phẩm được sản xuất ở những nơi khác.
Các sản phẩm đặc trưng ở đây là: Nồi đất, Cà ràng, Om, Xoong… Được biết, đa số các sản phẩm được làm từ đất ở vùng miền Tây đều có xuất xứ từ Làng nghề Hòn Đất Kiên Giang. Đến tham quan làng nghề Hòn Đất, các bạn sẽ phải ngạc nhiên và trầm trồ khen ngợi cái cách mà các nghệ nhân ở đây nhào đất, nắn đất và tạo hình cho những cho sản phẩm đất nung.
Mặc dù hiện tại trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nồi bếp bằng các chất liệu như thủy tinh, kim loại nhưng nồi đất ở Hòn Đất vẫn được người dân trong vùng và các khu vực lân cận sử dụng. Làng nghề nắn nồi đất ở Hòn Đất cũng là điểm nhấn cho các bạn có dịp đến Hòn Đất Kiên Giang. Đây là cơ hội để tìm hiểu, tham quan về làng nghề truyền thống gắn liền với người dân miền sông nước.
4. Làng nghề trồng hoa kiểng Tân Qui Đông ở Đồng Tháp
Làng hoa Sa Đéc xuất hiện từ thế kỷ 20, lúc bấy giờ tại vùng Tân Qui Đông chỉ có vài hộ trồng hoa dùng để trang trí nhà cửa vào dịp tết. Thấy hoa nở đẹp, dần dần số hoa được trồng nơi đây tăng lên và sau này trở thành một làng nghề đặc trưng ở Đồng Tháp.
Đến với làng nghề trồng hoa kiểng Tân Qui Đông, Sa Đéc – Đồng Tháp vào những ngày trước Tết, các bạn sẽ được ngắm nhìn cả một khoảng trời với vô vàng sắc đỏ, trắng, vàng, hồng… của những đóa hoa. Bạn nào đam mê chụp ảnh thì làng nghề trồng hoa kiểng Tân Qui Đông còn là khung cảnh chụp ảnh đẹp ở miền Tây hết sức tuyệt vời.
Đặc biệt, nếu đến đây vào thời điểm giáp tết, các bạn còn được ngắm nhìn được vẻ đẹp rực rỡ của hàng trăm loại hoa. Ngoài ra, còn được trải nghiệm không khí nhộn nhịp và sôi động của các cô các chú nông dân bận rộn tỉa lá, cắt cành, chăm chút cho những chậu hoa để chuẩn bị cho mùa tết. Có thể nói rằng, Làng hoa Sa Đéc đã trở thành hội hoa xuân nhộn nhịp, thơ mộng của miền Tây Nam Bộ vào dịp cuối năm.
>>> Về Sóc Trăng thăm làng nghề bánh pía Vũng Thơm
5. Làng nghề làm nem Lai Vung ở Đồng Tháp
Đồng Tháp không chỉ nổi tiếng với những làng hoa rực rỡ ở Sa Đéc với đầy màu sắc mà nơi đây còn là nơi hình thành ra 1 Làng nghề làm nem ngon nhất vùng đồng bằng Nam Bộ, đó là Làng nghề làm Nem Lai Vung. Ngụ tại phía Bắc sông Hậu, Làng nghề này được hình thành hơn 60 năm và là một Làng nghề lâu đời nhất tại địa phương, được nằm trong 30 Làng nghề được tỉnh Đồng Tháp công nhận.
Về thăm Làng nghề Lai Vung – Đồng Tháp, các bạn có thể tìm hiểu được phương pháp làm nem gia truyền, và cách để có hương vị men đặc trưng của vùng Lai Vung
Món nem tuy chua mà ngọt, thơm nồng mà lại say
Ở Miền Tây có nhiều món nem rất nổi tiếng nhưng các bạn đã từng nếm thử một lần vị nem Lai Vung thì không thể nào quên được hương vị chua ngọt cay nồng tuyệt vời của đặc sản ở Làng nghề Lai Vung này. Nếu có dịp đến đây, các bạn hãy thử mua những xâu nem về làm quà cho gia đình. Chắc chắn những người nhận món quà này sẽ vô cùng thích vì vị ngon, thơm và vô cùng lạ miệng của nem Lai Vung – Đồng Tháp.
6. Làng bánh pía Vũng Thơm ở Sóc Trăng
Tính đến năm 2016, Sóc Trăng đã có hơn 60 cơ sở sản xuất bánh Pía. Tuy nhiên, số lò bánh và cửa hàng buôn bán tập trung nhiều nhất ở tại Vũng Thơm thuộc xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, nơi được xem là nơi đầu tiên làm Làng nghề bánh Pía.
Nhắc đến những làng nghề thủ ở Miền Tây thì các bạn đến với Sóc Trăng cũng đều biết đến Làng nghề làm bánh Pía theo phương pháp cổ truyền Vũng Thơm. Bánh Pía Sóc Trăng nổi tiếng là do bánh có lớp vỏ dẻo và mềm, bao bọc phần nhân có vị ngọt bùi bên trong, hoàn toàn không có chất phụ gia. Vì thế khi ăn bánh Pía Vũng Thơm thực khách sẽ cảm nhận được như mình đang ăn múi Sầu Riêng vậy. Với bao bì đa dạng về mẫu mã nên rất được lòng du khách du lịch..
Không chỉ dừng lại ở món bánh Pía sầu riêng, Làng nghề bánh Pía Vũng Thơm còn sản xuất ra nhiều hương vị khác để có thể làm vừa lòng các thực khách khó tính như cho ra đời những chiếc bánh có nhân khoai môn, đậu xanh, dứa, thơm,….rất thơm ngon và hấp dẫn.
7. Làng nghề chuối khô ở Cà Mau
Cà Mau không chỉ nổi tiếng với món tôm khô, mà còn được biết đến với món chuối ép khô nổi tiếng ở vùng Tây Nam Bộ. Làng nghề này chủ yếu ở 2 xã Khánh Hưng và Trần Hợi thuộc huyện Trần Văn Thời. Làng nghề này không ai biết có từ khi nào, nhưng những miếng chuối khô ở đây rất được thực khách thích thú và ưa chuộng do hương vị ngọt ngào, dai ngon.
Sơ chế nguyên liệu rất cẩn thận từ lúc lột vỏ chuối cho đến khi ép dẻo và phơi khô. Mỗi giai đoạn đòi hỏi người thực hiện cần phải cẩn thận, tỉ mỉ thì sản phẩm mới hấp dẫn và thơm ngon. Khi đến đây, các bạn sẽ được hòa mình vào không khí nhộn nhịp, bận rộn của những công nhân đang lột vỏ chuối, ép, phơi khô và quy trình đóng hộp rất khéo léo và chuyên nghiệp.
Trong quá trình tham quan và tìm hiểu, các bạn sẽ được chỉ dẫn các công đoạn làm chuối khô, và điều đặc biệt ở đây các bạn có thể thưởng thức ngày miếng bánh mà mình vừa mới làm xong. Đây được xem là một món ăn vặt vô cùng hấp dẫn mà chúng ta có thể mua về làm quà cho người thân.
8. Làng nghề đóng tủ thờ Gò Công ở Tiền Giang
Ngụ tại Ấp Ông Non, xã Tân Trung, thị xã Gò Công – nơi có Làng nghề đóng tủ thờ nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang. Chiếc tủ thờ Gò Công với những nét chạm khắc độc đáo riêng, mang nhiều giá trị văn hóa vùng miền, tạo được một thương hiệu nổi tiếng khắp vùng Tây Nam Bộ.
Ở Miền Tây, văn hóa thờ cúng và các vật đặt trên bàn thờ rất được người dân chú trọng . Chính vì vậy làng nghề đóng tủ thờ này dù trong thời kỳ hiện đại vẫn được duy trì và phát triển. Đến với nơi đây, các bạn có thể gặp được các nghệ nhân lành nghề và xem cách họ làm nên một sản phẩm tủ thờ hoàn chỉnh.
Những chiếc tủ được đóng đầu tiên có kiểu dáng đơn giản, chưa có các hoa văn, điểm nhấn. Dần dần, do tính cạnh tranh thị trường và tính thẩm mỹ của người dân ngày một cao, đòi hỏi kỹ thuật chạm khắc hoa văn và kiểu dáng tủ dần đẹp và tinh xảo hơn.
Qua thời gian, thì tủ thờ Gò Công được nhiều người biết đến và tin dùng vì có mẫu mã, chất lượng và sự điêu khắc chạm trổ hoa văn cầu kỳ, đưa nghề đóng tủ thờ Gò Công trở thành Làng nghề truyền thống độc đáo ở Miền Tây. Nếu có đặt chân đến đất Tiền Giang các bạn hãy ghé lại thăm quan Làng nghề đóng tủ thờ này để biết thêm một nét văn hóa vô cùng độc đáo của người dân vùng đồng bằng Nam Bộ nhé.
Mời các bạn vào xem các video về miền Tây tại youtube của bọn mình
Video về du lịch miền Tây, mời các bạn xem tại đây nhé!