Đặc sản Tiền Giang, nhắc tới thôi là đã thấy thèm, bởi cái hương vị vừa có nét chung của ẩm thực miền Tây, vừa có những nét riêng mà chỉ ở nơi đây mới có. Hãy cũng Tui là người miền Tây bỏ túi ngay danh sách 11 món đặc sản Tiền Giang nức tiếng sau đây nhé.
>>> Xem ngay: Ẩm thực mùa nước nổi miền Tây
Mời các bạn xem video Top 3 Địa Điểm Check-in Gây Bão Ở Tiền Giang tại đây với tụi mình nhé
Danh mục bài viết
Hủ tiếu Mỹ Tho
Một tô hủ tíu Mỹ Tho ăn ngon, bao giờ cũng kèm theo bánh mì, hoành thánh, rổ rau thường có ngò gai, quế, giá. Hủ tíu Mỹ Tho có cọng nhỏ, khô dai, vị hơi chua, mang nét đặc trưng không lẫn với hủ tíu ở nơi nào khác.
Hương vị đặc biệt của hủ tíu Mỹ Tho được tạo ra bởi việc chọn loại gạo làm ra cọng bánh và các nguyên liệu nấu nước lèo do các đầu lâu năm của Mỹ Tho chọn lựa và chế biến. Hủ tiếu Mỹ Tho ăn mùa nào cũng hợp, mùa mưa thì ăn vô là ấm bụng ngay, còn mùa nòng thì vừa ăn xì xụp vừa đưa tay lên lau mồ hôi trán cũng cực kỳ thú vị luôn
Chả nướng Chợ Gạo
Chả nướng chợ Gạo luôn là một trong những món đặc sản Tiền Giang mà người đi xa luôn nhung nhớ. Món này thường được làm vào dịp giỗ chạp hay lễ tết với các thành phần gồm thịt heo tươi, trứng vịt, hành tím, tỏi, gia vị… Chả thường được nướng bằng than, khi đó chả sẽ được chín đều từ từ, hương vị sẽ thơm ngon nhất.
Chả nướng chợ Gạo sau khi chín sẽ được cho ra dĩa, cắt thành từng miếng nhỏ, khi ăn sẽ được cuốn cùng bánh tráng, rau sống, rau thơm và chấm nước mắm chua ngọt. Cho vào miệng sẽ cảm nhận được vị chả thơm đậm, thịt ngọt dai hoà trong hương rau sống cay nồng.
Bún gỏi già Mỹ Tho
Bún gỏi già Mỹ Tho là một món đặc sản cơ bản không khác gì mấy với món bún nem nướng. Tuy nhiên, phần nước súp của bún gỏi già lại được nấu từ mắm, nên chỉ cần húp một hai muỗng đầu thì bạn sẽ thấy vừa lạ vừa ngon.
Một tô bún gỏi già Mỹ Tho thường có bún, tôm, tép tươi hoặc sườn non, thịt ba rọi, nước lèo, ăn kèm với rau muống, rau chuối bào, giá, rau hẹ. Thưởng thức món bún này, bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà của nước lèo, béo của thịt heo, tôm, chua thanh của me và bùi của đậu phộng. Nếu có dịp về Tiền Giang, đừng quên nếm thử mùi vị bún gỏi già Mỹ Tho.
Bánh vá Tiền Giang
Bánh vá hay còn gọi là bánh giá, món đặc sản Tiền Giang, đặc biệt là ở Chợ Giồng, xứ Gò Công. Món bánh này khi xưa chỉ được làm trong các bữa tiệc thịnh soạn như cưới hỏi, tân gia, giỗ chạp… Ngày nay món bánh này đã trở nên phổ biến, về Tiền Giang dịp nào cũng có thể thưởng thức được.
Bánh vá Tiền Giang phải ăn ngay khi chiên xong, vừa lấy từ chảo dầu ra, khi đó bánh vừa ngon vừa giòn, đúng vị. Cho bánh vào chén, cắt ra thành từng miếng nhỏ, cho thêm bún, rau sống rồi chan nước mắm vào vừa ăn. Vị béo giòn của bánh giá kết hợp với rau sống tươi ngon cùng nước mắm chanh tỏi ớt đậm đà, làm nên một món ăn đầy hương vị vô cùng thơm ngon, hấp dẫn.
>>> Xem ngay: Đậm đà lẩu mắm rau đồng miền Tây
Bánh bèo chợ Hàng Bông
Bánh bèo được bán tại đây có hai loại mặn và ngọt. Loại bánh ngọt sẽ ăn kèm nước cốt dừa béo ngậy, đậu xanh xay nhuyễn cùng một ít mè cho tăng vị thơm. Với bánh mặn sẽ ăn với bì heo, bánh mì cắt hạt lưu chiên giòn và ít dưa chua.
Món bánh bèo chợ hàng Bông có vị ngon phụ thuộc nhiều vào nước chấm. Nguyên liệu để pha gồm có nước mắm, chanh, đường, tỏi ớt, cà rốt, củ cải trắng cắt sợi để thêm phần hấp dẫn. Phần nước chấm sẽ được để riêng để khi ăn bạn có thể tự chan thoải mái theo sở thích của mình. Khi ăn gắp từng miếng bánh bèo cho vào miệng, cảm nhận vị ngon, ngọt béo của từng chiếc bánh nhỏ thì sẽ thấy càng thích thú và thêm yêu ẩm thực Tiền Giang.
Chuối quết dừa Mỹ Tho
Nhìn sơ thì chắc có lẽ nhiều người nhầm lẫn món chuối quết dừa là món cốm dẹp của người Khmer nhưng khi quan sát kỹ sẽ biết đây là hai món khác nhau. Chuối quết dừa tuy có vẻ dân dã nhưng mùi vị thì rất ngon và lạ miệng.
Chuối quết dừa Mỹ Tho sẽ được ăn kèm cùng các loại rau hái trong vườn như lá cách, lá lốt, rau càng cua, rau diếp cá, rau thơm, húng lủi… Cách ăn cũng rất đơn giản, lấy miếng bánh tráng cho các loại rau lên trên rồi cho tiếp chuối quết dừa, sau đó cuốn lại rồi chấm với nước chấm chua ngọt. Cắn từng miếng chuối quết dừa, bạn sẽ được cảm nhận đủ hương vị ngọt, chua, mặn, chát đến mùi thơm thơm, béo ngậy ngọt bùi của dừa, của chuối.
Sam biển Gò Công
Sam biển Gò Công là một món đặc sản Tiền Giang cực kỳ hấp dẫn đối với du khách gần xa. Sam biển có thể được chế biến thành nhiều món đa dạng như gỏi sam, trứng sam nướng, sam nướng mỡ hành, sam xào xả ớt hay sam xào chua ngọt,…Tất cả đều được chế biến kỹ lưỡng với hương vị độc đáo, cùng cách bày trí đẹp, nêm nếm rất vừa béo ngậy và thơm lừng.
Sam biển ngon nhất là vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 2 Âm lịch, lúc này là mùa sam sinh sản, thịt sẽ nhiều, vị béo và ngon ngọt nhất. Nhất là những con sam cái đang có trứng đem đi nướng, béo bùi cực hấp dẫn
Ốc gạo Tân Phong
Là một cù lao do phù sa bồi đắp nên Xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có rất nhiều loài hải sản sinh sống trong đó nổi tiếng nhất là đặc sản ốc gạo. Ốc gạo Tân Phong có rất nhiều sông Cồn Bầu, Cồn Tre… Đặc biệt loại ốc gạo ở Cồn Tre là ngon nhất, kích thước ốc to, vỏ màu xanh ngọc, ruột đầy, nhiều thịt, không có nhớt, ăn đến no mà không thấy nặng bụng.
Ốc gạo Tân Phong có thể chế biến thành nhiều món như ốc cháy mỡ tỏi, um nước dừa, rang bơ… Ốc gạo lể ra xào với hành tỏi, cuốn gỏi ăn cũng rất ngon hoặc cũng có thể đem nấu cháo hành. Đặc biệt là món Ốc luộc xả ớt chấm nước mắm chanh ớt, nhìn con nào cũng vàng ươm, béo ngậy, ngọt giòn ăn hoài không chán.
Mắm tôm chà Gò Công
Mắm tôm chà Gò Công từ thời xa xưa đã là món ăn được đích thân Thái hậu Từ Dụ mang vào cung đình Huế và trở thành đặc sản không thể không nhắc đến của xứ Tiền Giang. Mắm ngon được ủ từ những con tôm tươi và sạch cùng với tỏi có độ cay nồng và ớt tươi chín đỏ.
Mắm tôm chà có thể thưởng thức với nhiều cách khác nhau đều ngon và để dùng cả năm vẫn không hư.. Mắm tôm chà y, loại không pha thêm gia vị gì cả được dùng làm món mặn ăn với cơm trắng, làm nước canh chua cá nấu lá me hay chấm với xoài, cóc xanh… Còn loại mắm tôm chà pha thêm với chút giấm, chanh, đường, tỏi và ớt băm sẽ rất thích hợp cho món thịt ba rọi luộc cuốn với bánh tráng, rau sống và bún.
Mắm còng lột
Mắm còng lột được xem là một món đặc sản Gò Công danh bất hư truyền. Vào thời nhà Nguyễn, mắm còng lột Gò Công đã được mẹ của vua Tự Đức mang ra đến cung đình Huế, được vua chúa cũng như rất nhiều quan viên ưa thích và từ đó trở thành món ăn thượng hạng mà người xứ Huế vẫn nhắc tới.
Mắm ngon nhất phải được làm từ những con còng đỏ tươi ngon và ủ đủ ngày. Mắm vừa có vị đậm đà kết hợp từ các loại gia vị vừa có hương thơm độc đáo. Mắm còng ngon thì ăn món gì cũng ngon. Mắm còng lột có thể ăn ngay với thịt heo luộc, rau sống, dưa leo…mà không cần chế biến cầu kì. Hay có thể cuốn bánh tráng cùng rau sống hoặc ăn kèm với bún.
Vú sữa Lò Rèn
Về Tiền Giang mà không thưởng thức vú sữa Lò Rèn thì quả thực uổng cả chuyến đi. Vú sữa Lò Rèn đặc biệt vì có kích thước rất to và tròn, trái to nhất có thể lớn hơn chén ăn cơm. Vỏ trái vú sữa đạt chuẩn sẽ rất bóng và có màu xanh lục nhạt đẹp mắt. Khi chín phần vỏ sẽ bắt đầu chuyển sang màu hơi tím hoặc nâu tía.
Không chỉ nổi tiếng trong nước, vú sữa Lò Rèn còn trở thành loại trái cây hảo hạng, được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Khi ăn vú sữa Lò rèn thường người ta sẽ cắt đôi cho tiện, khi cắt phía trong trái sẽ chảy ra ít nước màu trắng đục như sữa. Phần thịt thì rất thơm, mềm dẻo và có vị ngọt thanh. Giữa trưa nóng oi bức, được thưởng thức vài trái vú sữa chín cây ngọn đến tận đáy lòng thì không gì tuyệt vời bằng.
Hoài Nguyễn
Ảnh: Internet