Từ lâu, những cảnh đẹp dân dã ở Đồng Tháp luôn khiến cho du khách phải thổn thức. Đến với nơi đây, chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng phong cảnh độc đáo của những cánh đồng sen trải dài vô tận, làng hoa Sa Đéc trăm loài hoa khoe sắc thắm mà còn được ghé thăm các làng nghề truyền thống với khung cảnh lao động vô cùng nhộn nhịp.
Đặc biệt trong số đó có làng chiếu Định Yên, nơi vinh dự được bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng tìm hiểu xem nơi đây có những nét độc đáo nào nhé!
>>> Xem thêm: Làng chiếu Định Yên Đồng Tháp, làng chiếu trăm tuổi được Lý Hải Minh Hà hồi sinh rực rỡ
Danh mục bài viết
Làng chiếu Định Yên ở đâu?
Xuôi về Đồng Tháp, ghé thăm huyện Lấp Vò, nơi nổi tiếng với những đồng lúa mênh mông, vườn cây trù phú xum xuê hoa quả. Huyện còn là cái nôi của một làng nghề truyền thống quý báu, còn gìn giữ đến tận ngày nay, đó là làng chiếu Định Yên. Đây là làng chiếu truyền thống lâu đời, còn gìn giữ được những giá trị truyền thống cho đến ngày hôm nay.
Hiện tại, làng nghề vẫn đang phát triển rất tốt, tạo điều kiện cho rất nhiều lao động trong khu vực. Nghề dệt chiếu ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp còn là điểm du lịch ấn tượng cho du khách mỗi khi đến với xứ Đồng Tháp Mười.
Đường đi đến làng chiếu Định Yên
Để tham quan làng chiếu Định Yên, bạn có thể chọn phương tiện là xe khách hoặc xe con đều được. Tuy nhiên, để có những trải nghiệm tuyệt vời nhất, đi bằng xe con sẽ tiện lợi hơn phải không nào. Muốn ghé thăm làng chiếu bạn có thể dễ dàng tìm đường đến xã Định Yên.
Huyện Lấp Vò, gối đầu lên Bắc Vàm Cống giáp với tỉnh An Giang; cách TP Sa Đéc (trung tâm tỉnh Đồng Tháp) khoảng 40 km dọc theo quốc lộ 80. Từ cổng chào phía quốc lộ 80, bạn có thể hỏi đường theo người dân chạy hướng vào xã Định Yên chừng 2 km là sẽ thấy những bó lác nhuộm đủ màu đỏ, xanh, vàng, tím… được phơi lề đường.
>>> Xem thêm: Tái hiện lại “Chợ chiếu ma Định Yên” có một không hai
Làng chiếu Định Yên – di sản văn hóa phi vật thể quý báu ở Đồng Tháp
Năm 2013, làng chiếu Định Yên chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Làng nghề truyền thống này cũng đã từng được UNESCO vinh danh như một làng nghề độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của một làng nghề truyền thống của khu vực.
Trong cùng giai đoạn này, cùng với làng chiếu Định Yên, 4 loại hình truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian cùng nghề thủ công truyền thống khác cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), lễ hội Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), Hát bả trạo (huyện Thăng Bình, huyện Duy Xuyên, huyện Điện Bàn, TP Tam Kỳ và TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), lễ hội Nghinh Ông (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh).
Làng chiếu Đinh Yên có những điểm thú vị nào?
Đến làng chiếu Định Yên, bạn sẽ phải cảm thấy thú vị trước cuộc sống lao động nhộn nhịp của khu vực nơi đây. Không chỉ hấp dẫn bởi nhịp độ lao động vô cùng náo nhiệt, từng nhịp, từng nhịp như níu chân du khách mà nơi đây còn gây sự chú ý với màu sắc rực rỡ ngay từ khi đặt chân đến làng nghề. Có thể thấy, cuộc sống của người dân nơi đây luôn tràn đầy âm thanh và màu sắc. Xung quanh làng nghề, bạn cũng sẽ trông thấy những sợi lác xanh, đỏ, tím, vàng, … được phơi khô hoặc treo lên trước khi sản xuất.
Ngày nào cũng thế, từ trong nhà ra ngoài ngõ, nơi nào cũng đầy ắp tiếng cười nói xôn xao của người dân hòa với từng nhịp cộc cạch của chiếc máy dệt. Với không khí nhộn nhịp những cũng không kém phần gần gũi, bước vào làng nghề, bạn sẽ thấy được vẻ đẹp lao động được thể hiện qua thái độ, niềm đam mê đối với công việc của người dân nơi đây. Với những người làm chiếu, đây không chỉ là công việc kiếm sống mà còn là nghề gia truyền được lưu giữ từ nhiều thế hệ.
Để gìn giữ và phát triển làng nghề dệt chiếu Định Yên như thời điểm hiện tại, đó là nhờ vào chính sách đầu tư, hỗ trợ kịp thời của địa phương. Hơn hết, đó là tâm huyết và tinh thần yêu nghề, bám trụ với cái nghề mà ông cha đã để lại. Chính vì thế trong quá trình sản xuất, người dân phải đúc kết từ quá trình sản xuất lâu năm để có kinh nghiệm tạo ra chiếc chiếu đẹp nhất có thể.
Để làm được chiếu đòi hỏi người thợ phải lựa các sợi lác đều, không to quá cũng không được nhuyễn quá. Những sợi lác mang đi phơi nắng từ 30 phút đến một tiếng trước khi nhuộm đủ loại màu xanh, đỏ, tím, vàng… trong nước đun sôi. Để màu nhuộm chính xác, khó phai thì phải nấu phẩm màu lên, nhúng từng chùm lác nhỏ vào, tùy theo độ đậm nhạt mà có thể nhúng 2-3 lần trở lên. Sau đó, lác tiếp tục được mang phơi nắng thêm một buổi rồi mới mang vào dệt.
Chiếu sau khi dệt xong sẽ được mang đi cắt bìa, may vải và phơi nắng cho khô. Chiếu Đinhh Yên gồm nhiều loại khác nhau. Có loại chiếu trắng, chiếu màu, có loại thì in hình hoa văn hay trang trí bằng chữ, với nhiều mức giá khac nhau nhưng nhìn chung đều khá phải chăng, phù hợp với người tiêu dùng.
Có nhiều loại chiếu khác nhau, mỗi loại mang những nét đẹp và độ khó riêng. Tuy nhiên, trong các loại chiếu thì chiếu hoa và chiếu vảy ốc là khó dệt nhất bởi nó cần sự tinh xảo, phân bố kiểu chữ sao cho hợp lí.
Bên cạnh đó, với công nghệ của những loại máy dệt hiện đại, để dệt được một chiếc chiếu thành phẩm, người dân không mất quá nhiều công sức và nguồn nhân lực như trước nữa. Để dệt một chiếc thường cần có 02 người, ngày nay, với những loại máy dệt hiện đại, chỉ cần 01 người để xỏ lác là đủ.
Chợ chiếu (chợ ma) ở Định Yên
Có thể nói, làng chiếu Định Yên được biết đến nhiều nhất nhờ vào Chợ chiếu hay còn gọi là chợ ma. Sở dic có tên gọi như vậy là vì đây là chợ nhóm vào ban đêm và chỉ kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ rồi tan chợ. Tuy nhiên thời điểm bắt đầu chợ cũng không ổn định, tùy vào giao ước của hôm trước. Thế nhưng quá trình buôn bán này vẫn diễn ra khá nhịp nhành và người mua, kẻ bán bao giờ cũng nắm được giờ giấc hợp lí.
Không giống với bất kì loại chợ nào nào khác trên cả nước, chợ chiếu Định Yên thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây trong quá trình lao động đầy vất vả nhưng yên bình, dân dã.
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu qua một trong 4 làng nghề truyền thống ở Đồng Tháp nổi tiếng thu hút du khách gần xa. Mời các bạn truy cập YouTube hoặc Facebook để khám phá và tìm hiểu thêm nhiều làng nghề khác ở miền Tây nhé!