Dịp Tết đến, ngoài dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa thì với bà con miền Tây những món ăn thật ngon là điều không thể thiếu. Trong mâm cơm sẽ có những món rất đơn giản nhưng hương vị lại rất đậm đà. Đó là những món nào, mời bạn đến ngay với top 10 món ngon ngày Tết miền Tây sau đây nhé:
>>> Xem ngay: Những làng hoa đẹp nhất miền Tây vào dịp Tết
Danh mục bài viết
1. Gà luộc
Gà luộc là món không thể thiếu trên những mâm cơm cúng ông bà trong ngày Tết của người dân miền Tây. Người ta sẽ lựa chọn những những con gà trống chắc thịt, béo ú để dâng lên ông bà. Một con gà luộc chín đều, vàng ươm, dáng hình oai nghiêm sẽ mang lại phúc đức đầy nhà và mọi điều như ý cho gia chủ.
Gà sau khi cúng xong sẽ được mang xuống để gia đình cùng nhau thưởng thức, thường thì người ta chỉ cần chặt nhỏ ra rồi chấm với muối tiêu là đủ ngon. Cầu kì hơn, các chị các mẹ sẽ đem chế biến thành món gỏi gà chua chua ngọt ngọt tạo nên hương vị độc đáo của mâm cơm ngày Tết. Thịt gà luộc xé nhỏ, trộn đều với các gia vị, bắp chuối, hành ngò… khiến ai ăn vô cũng đều thích mê.
2. Thịt kho tàu
Các bạn vào xem các video về miền Tây tại youtube của bọn mình
Video về món thịt kho hột vịt tại đây nhé
Một món ngon ngày Tết đã được lưu truyền rất lâu mà hễ cứ đến Tết Nguyên đán thì nhà ai cũng có một nồi thật to để ăn. Thịt kho tàu có rất nhiều cái tên khác nhau như thịt kho rịu, thịt kho trứng, thịt kho hột vịt hay thịt kho nước dừa. Và hương vị ở miền Tây thì sẽ đậm đà hơn các vùng miền khác do bàn tay nêm nếm điêu luyện của các mẹ các dì.
Cũng như cái tên, nguyên liệu chính của món ăn này là thịt ba rọi ngon, hột vịt, nước dừa cùng các nguyên phụ khác. Một nồi thịt kho tàu chất lượng là có thịt mềm, không bở, màu cánh gián đẹp mắt. Nước kho sóng sánh trong, không bọt, không đục, độ mặn ngọt vừa phải. Nhìn tô thịt kho phải bắt mắt, món này ngon nhất là ăn với cơm trắng cùng các món dưa ngày Tết.
Miếng thịt vuông cùng hột vịt tròn mang ý nghĩa cầu mong một năm mới mọi sự đều vẹn toàn, vuông tròn. Các thành viên trong gia đình gắn kết, hòa thuận yêu thương nhau.
3. Canh khổ qua nhồi thịt
Canh khổ qua nhồi thịt cũng là một món nhất định không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết miền Tây. Theo quan niệm của ông bà, ăn canh khổ qua vào 3 ngày đầu năm sẽ giúp xua tan xui rủi của cũ, mong cho mọi điều khổ đều qua đi, một năm mới may mắn, tươi sáng hơn sẽ đến, gia đạo được bình an và như ý.
Những trái khổ qua được lựa chọn phải thật tươi xanh, cạo bỏ ruột rồi nhồi thịt xay cùng gia vị vào bên trong. Nấu với nước hầm xương cho đến khi phần vỏ mềm vừa ăn. Gắp miếng khổ qua kèm thịt cho vào miệng, sẽ cảm nhận được vị đắng đắng hòa cùng vị ngọt béo của thịt. Cũng bởi cái vị đắng mà món này bị kén người ăn, tuy nhiên nó giúp giải nhiệt rất tốt cũng như giúp bớt ngán khi ăn nhiều các món thịt mỡ trong mấy ngày Tết.
4. Bánh tét
Nếu bánh chưng là món đặc trưng của ngày Tết miền Bắc thì bánh tét chính là món ngon ngày Tết miền Tây. Chiếc bánh tròn, chắc nịch tượng trưng cho sự ấm no đầy đủ của gia chủ. Ngoài ra, bánh tét được làm từ các lúa nếp cùng các nguyên liệu do người dân trồng được nên nó mang ý nghĩa cảm ơn thần nông đã phù hộ cho bà con có mùa màng bội thu, gia đình ấm no.
Bánh tét thường được gói trước nửa tháng để kịp cúng ông bà tổ tiên hay đem tặng người thân, bạn bè. Ngày nay bánh tét được gói với rất nhiều loại như bánh tét mỡ, bánh tét chuối, bánh tét lá cẩm, bánh tét mật cật, bánh tét chay… loại nào cũng thơm ngon và đẹp mắt.
Khi ăn người ta sẽ cắt bánh thành những khoanh nhỏ vừa ăn, nhìn những khoanh bánh tròn xoe, phần nếp dẻo thơm, phần nhân hấp dẫn khiến ai nấy đều thèm thuồng. Bánh tét sẽ được ăn kèm cùng thịt kho tàu, dưa cải, củ kiệu tôm khô, các nguyên liệu hòa vị với nhau khiến ai ăn rồi đều phải tấm tắc khen ngon.
5. Chả giò
Để cho các món ăn trong những ngày Tết bớt ngán, người miền Tây thường làm thêm chả giò để ăn kèm. Những chiếc chả giò với nhân thịt, rau củ, phần vỏ được chiên vàng giòn rụm khiến ai thưởng thức cũng phải tấm tắc khen ngon. Nhất là bọn con nít thì chắc chắn sẽ rất thích món này, mỗi lần mẹ chiên là lủm ngay vài cái chạy vòng vòng nhà ăn chơi.
Ngoài ra cũng có những chiếc chả giò chay chỉ toàn rau củ ăn vào thì thơm ngon, đậm đà không kém gì những chiếc bánh nhân thịt, ăn hoài không ngán.
6. Chả lụa
Chả lụa thì rất dễ ăn, lại để được lâu ngày nên thường Tết đến nhà nào nhà nấy cũng trữ vài cây chả lụa trong tủ lạnh để ăn dần, đãi khách đến chơi nhà hay mang đi biếu tết. Chả lụa có thể tự chế biến tại nhà nhưng để nhanh gọn lẹ thì các mẹ thường ra chợ mua ngay mang về. Vào những ngày gần Tết thì những cửa hàng bán chả lụa lúc nào cũng đông đúc, tấp nập người mua.
Chả lụa xắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn, trang trí thành bông hoa hay các hình thù khác nhau làm cho mâm cơm thêm nhiều màu sắc đẹp mắt. Chả lụa chấm kèm với tương ớt hoặc muối tiêu chanh, còn nếu thích đổi món thì có thể đem chiên, luộc… đều rất ngon và bớt ngán.
7. Lạp xưởng
Lạp xưởng cũng chính là món ngon ngày Tết miền Tây lúc nào cũng có trong tủ lạnh. Với hương vị thơm ngon, đậm đà lại chế biến rất nhanh nên lạp xưởng trở thành một món ăn hấp dẫn trong dịp Tết. Lạp xưởng có hai loại đó là lạp xưởng tươi và lạp xưởng khô, mỗi loại đều có hương vị khác nhau và rất được ưa chuộng.
Nhân lạp xưởng thì cũng rất đa dạng như lạp xưởng heo, lạp xưởng bò, lạp xưởng tôm, lạp xưởng cá,… Nổi danh ở miền Tây là lạp xưởng ở các tỉnh Sóc Trăng, Long An, An Giang… nếu có dịp ghé các tỉnh miền Tây mùa giáp Tết bạn có thể chọn mua lạp xưởng mang về để làm quà. Lạp xưởng chế biến cũng không có gì quá cầu kì, có thể đem chiên, nướng, luộc vừa dễ ăn lại nhiều chất dinh dưỡng.
8. Củ kiệu tôm khô
Cứ gần giáp tết, cứ đi đến bất kì khu chợ nào ở miền Tây bạn cũng sẽ nhìn thấy bà con bán kiệu rất nhiều. Củ kiệu cũng giống như củ hành nhưng nhỏ và trắng hơn. Bà con miền Tây thường làm dưa kiệu để ăn dần trong những ngày Tết, giống như một món truyền thống bắt buộc phải có vậy. Kiệu tươi được mua về, làm sạch, ngâm nước tro cho trắng, phơi nắng cho khô ráo rồi đem ngâm chua.
Dưa kiệu sẽ được ăn kèm với các món chính, đặc biệt là tôm khô. Vị dưa kiệu chua ngọt cay cay, ăn kèm với tôm khô sẽ cho ra gia vị hài hòa giòn giòn dai dai, chút hăng cay nồng giúp ấm bụng. Tuy chỉ là một món ăn bình dị nhưng củ kiệu tôm khô lại mang ý nghĩa cầu mong một năm mới phát lộc phát tài cho gia chủ.
9. Dưa cải chua
Vài tháng trước khi đến Tết, bà con miền Tây sẽ bắt đầu lên luống trồng cải để làm ngâm dưa chua ăn Tết. Cải thu hoạch rửa cho sạch rồi trụng nước muối, để nguyên cây cùng các gia vị rồi cho vô keo sành hay vại lớn để ủ chua.
Dưa cải chua đạt chất lượng sẽ có màu vàng nghệ rất đẹp mắt, chua thanh. Khi ăn lấy ra xắt nhỏ ăn ngay hoặc có thể trộn đều với gia vị tỏi, ớt, đường, để cho thấm là ngon. Dưa cải chua ăn kèm với thịt kho tàu, bánh tét, chả lụa,… sẽ làm cho các món bớt ngán hơn. Đây cũng là một món ăn ưa thích trong những này tết.
10. Dưa giá
Ngoài dưa kiệu, dưa cải chua, bà con miền Tây cũng làm dưa giá để ăn trong những ngày Tết về. Dưa giá có vị chua thanh, giòn ngon và cũng rất được ưa thích, có tính mát nên giúp giải nhiệt.
Dưa giá có thể ăn kèm với cơm, thịt kho tàu và nhiều món khác, món nào kết hợp cũng đều ngon và dễ ăn. Thành phần của một keo dưa giá ngoài giá sẽ có hẹ, cà rốt, củ hành nên rất tốt cũng như làm ấm bụng trong những ngày Tết.
Hoài Nguyễn
Ảnh: Internet