Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống kênh rạch chằng chịt, lắm cá nhiều tôm, nên người dân thường làm khô, làm mắm để dự trữ ăn dần trong những ngày mưa gió hay bận rộn. Trong những món mắm ngon nhất miền Tây có hai loại mắm gây thương nhớ là mắm tép và mắm ba khía.
>>> 5 loại bánh miền Tây nhiều sắc màu thu hút mọi ánh nhìn
>>> 5 món ăn chế biến từ sen ngon hết sảy con bà bảy
Các bạn vào xem các video về miền Tây tại youtube của bọn mình
Video những món lẫu miền Tây tại đây nhé
Mắm tép – Có vị chua ngọt thơm ngon đến lạ lùng
Về miền Tây, các bạn sẽ bắt gặp thường xuyên món mắm tép thịt luộc trên mâm cơm hàng ngày hay trong các dịp giỗ chạp, lễ, tết. Để làm ra được hủ mắm tép ngon thì cần rất nhiều công đoạn và rất công phu. Tép sau khi được đánh bắt lên thì làm sạch, bỏ hết phần đầu chừa đuôi, để khử mùi tanh thì người dân rửa thật kỹ lại với rượu trắng. Đặc biệt, nếu muốn tép sau khi phơi không bị đen, có màu đỏ au đẹp mắt thì người làm phải tỉ mỉ lấy hết đường chỉ đen trên lưng tép.
Để có mắm tép thơm ngon thì phần lựa nước mắm là phần quan trọng, nước mắm dùng để ngâm tép phải là loại nước mắm nhĩ mới cho ra sản phẩm có màu sắc đẹp mắt và đậm vị.
Cách làm nước mắm ngâm tép là một công đoạn đòi hỏi người làm phải cẩn thận cân đo tỷ lệ gia vị sau cho vừa ăn, nước mắm được bỏ thêm chút hạt nêm, ít đường rồi nấu cho sôi lên, tắt bếp và để nguội. Hủ hoặc chai đựng mắm tép phải được làm từ sành để hấp thụ ánh nắng tốt nhất. Xếp tép vào hủ, sau đó cho hết hỗn hợp nước mắm và gia vị, ớt, tỏi, gừng tươi vào chung.
Để mắm ngon thì tép được ngâm và phơi trực tiếp dưới nắng liên tục trong khoảng 20 ngày. Khi phơi, người dân thường lắc đều hủ mắm để tép được thắm gia vị và chín đều. Vì tép phải cần nắng để chín, nên những tháng nắng là khoảng thời gian lý tưởng để làm mắm, nhất là vào những ngày cận tết, nếu nắng đẹp thì tôm sẽ ngon hơn, rút ngắn được thời gian và người làm cũng ít nhọc công hơn.
Muốn ăn mắm tép ngon và đủ vị, hấp dẫn thì khi ăn hãy trộn chung với đu đủ. Đu đủ được chọn là trái vừa chín tới, bên trong chín hờm hờm có ruột màu cam nhạt, vỏ bên ngoài thì còn xanh ửng vàng. Đu đủ được bào sợi nhỏ để trong nước đá cho sợi đu đủ giòn, sau đó vắt ráo nước, thì cho vào mắm tép, chút nước mắm, ít đường vào trộn đều với gừng tươi và ớt chín cây là có thể thưởng thức
Rau gì ăn với mắm tép ngon nhất? Câu hỏi này được người dân miền Tây trả lời rất chân chất, thật tình “Rau gì ăn cùng bánh xèo được thì ăn mắm tép được”. Đặc biệt, mắm tép mà ăn với thịt luộc là hết sảy con bà bảy nhé, nên người ta có câu “Mắm tép phải có thịt luộc như cà pháo phải có mắm tôm”. Hai món khác nhau hoàn toàn, ấy vậy mà khi được ăn cùng lại cho ra một hương vị đặc biệt, lấy lòng hết thảy mọi người, tạo một đặc sản miền Tây có độ ngon mà khó món nào có thể sánh bằng.
Mắm ba khía (Ba khía muối) – mang cái mặn mà của vùng đất miền Tây
Nhắc đến con ba khía, đối với người dân vùng đất phương Nam thì rất đỗi thân quen và mắm ba khía là món ăn hao cơm và ngon nhất trong các bữa cơm gia đình miền Tây.
Con ba khía có hình dáng và kích cỡ gần giống như con cua đồng, thuộc họ giáp xác, thường sống ở vùng nước lợ, mặn, thấy nhiều ở ven sông rạch, nhiều nhất là dưới chân những cây đước, cây mắm ở rừng ngập mặn. Do có ba gạch ở trên lưng nên được người dân đặt tên ba khía. Cách bắt ba khía rất đơn giản và muối ba khía cũng không cầu kỳ, nhưng món ăn này rất đậm vị và là món ăn quen thuộc ông cha ta lúc xưa khi đi khai khẩn đất hoang.
Khoảng cuối tháng 5 âm lịch hàng năm, là ngày hội ba khía, người dân ở vùng nhiều đước mắm ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang,..tất bật đi bắt ba khía vào buổi tối. Cách duy nhất để có thể bắt ba khía là dùng đèn soi và chụp bằng tay. Những ánh đèn, dáng người, và lúc hồi họp khi bắt những chú ba khía đã tạo nên một hình ảnh thật đẹp, một kỉ niệm khó mà quên được của người dân nơi đây.
Ba khía sau khi bắt xong, người dân sẽ rửa xóc và ngâm với nước một đêm để sạch bùn đất rồi đổ vào khạp, lu. Sau đó đổ nước muối đã nấu vào rồi đậy nắp kín lại. Thời gian muối từ 5 đến 10 ngày. Chất lượng của món ba khía phụ thuộc độ mặn của nước muối khi nấu, bởi nếu mặn quá thì sẽ dễ bị đen, rụng càng, chát thịt, nhưng nếu nhạt quá thì ba khía sẽ bị hư. Ba khía muối chính là món ăn mà hầu như mọi người dân ở miền sông nước đều thích và hiển nhiên trở thành đặc sản của miền Tây.
Muốn ăn ngon thì cần có nước sốt đậm vị, chúng ta cần một ít đường, bột ngọt, ớt và chút nước cốt chanh, đánh hỗn hợp này cho nó hòa quyện lại với nhau. Ba khí thì chúng ta xé ra miếng vừa ăn rồi bỏ vào hỗn hợp nước sốt, trộn đều lên là được một món mắm trộn ngon hết sảy.
Ngày nay, nhiều quán ăn hay nhà hàng sang trọng đã chế biến ba khía thành các món ăn theo sở thích và nhu cầu của thực khách như: ba khía rang mỡ hành, rang me, ba khía nấu chao, ba khía luộc chấm muối tiêu chanh,.. nhưng chưa có món nào mang hương vị đi vào lòng người và khó quên đối với người dân miệt vườn như món ba khía muối. Chính cái chất mằn mặn, beo béo của gạch ba khía cùng mùi thơm đặc trưng đã khiến món ăn này trở thành đặc sản trong lòng mỗi người miền Tây.