Tưng bừng 7 Lễ hội ở Tiền Giang hấp dẫn nhất

Lễ hội ở Tiền Giang

Trong văn hóa tín ngưỡng, những lễ hội truyền thống là một nét độc đáo không thể thiếu. Đặc biệt trong những năm gần đây, lễ hội đã trở thành một loại hình du lịch và ngày càng phát triển. Hãy cùng điểm qua 7 lễ hội ở Tiền Giang hấp dẫn và thu hút khách du lịch nhiều nhất:

>>> Xem ngay: Những lễ hội độc đáo ở Sóc Trăng

1. Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân

Khu di tích Mộ và Đền thờ Thủ Khoa Huân tọa lạc tại xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Đây là nơi diễn ra Lễ giỗ với nhiều nghi thức truyền thống trang nghiêm và long trọng như rước linh vị Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, tưởng nhớ cuộc đời sự nghiệp, tinh thần bất khuất, công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và sự hy sinh của ông.

Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân
Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân

Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân là một sĩ phu có lòng yêu nước nồng nàn, lãnh tụ khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1852, ông đỗ thủ khoa kỳ thi hương dưới triều vua Tự Đức, nên được gọi là Thủ Khoa Huân. Từ những năm đầu thực dân Pháp xâm lược, Thủ Khoa Huân đã từ bỏ chức vị, cùng các sĩ phu yêu nước lãnh đạo nhân dân ta chống giắc. Ông bị Pháp bắt và xử chém vào ngày 19/5/1875.

2. Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định

Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định được tổ chức vào ngày 20 tháng 8 âm lịch tại đền thờ ở Gò Công, Tiền Giang. Vào ngày lễ giỗ, ngoài dòng họ sẽ có đông đảo những người dân trong tỉnh và du khách từ nhiều nơi tụ hội về để dâng lên ông nén hương thành kính. Đây được xem là một trong những lễ hội ở Tiền Giang có quy mô và được tổ chức trang trọng.

Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định
Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định

Anh hùng dân tộc Trương Định sinh vào năm 1820 tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Cha ông là lãnh binh tỉnh Gia Định Trương Cầm. Thời trai tráng ông theo cha vào Nam sinh sống và lấy vợ tại huyện Gò Công Đông (xưa là huyện Tân Hòa). Ông là người đi đầu và dẫn dắt người dân trong vùng khai hoang, lập ấp.

Ông đã cùng nhân dân đứng lên khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Trong một trận chiến, ông đã bị thương, để tránh rơi vào tay giặc, ông đã dùng gươm tuẫn tiết.

>>> Xem ngay: Bạc Liêu có những lễ hội nào

3. Lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút

Rạch Gầm – Xoài Mút là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của vùng đất Nam Bộ. Để ghi nhận và kỷ niệm chiến thắng oanh liệt này của quân dân ta, cứ đến ngày 20 tháng 1 năm chẵn, tại khu di tích chiến thắng tọa lạc tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành sẽ diễn ra lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút.

Lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút
Lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút

Trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút, nhân dân Tiền Giang đã hỗ trợ lớn cho Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ xây dựng căn cứ của quân Tây Sơn ở Mỹ Tho.

Trong lễ hội này, ngoài lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ sẽ là các hoạt động nghệ thuật, giải trí như đua thuyền trên sông, thả diều, hội thi chim hoa cá kiểng, chưng mâm ngũ quả…

4. Lễ hội Quan Thánh Đế Quân

Lễ hội Quan Thánh Đế Quân, diễn ra long trọng trong vòng 3 ngày (từ ngày 10 đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch). Đây được xem là một trong những hoạt động văn hóa lớn của cộng đồng người Hoa ở Tiền Giang. Dịp lễ thu hút rất đông người Hoa ở Gò Công, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tham dự cũng như thắp hương bày tỏ lòng thành đối với Quan Thánh.

Lễ hội Quan Thánh Đế Quân
Lễ hội Quan Thánh Đế Quân

Lễ hội Quan Thánh Đế Quân được tổ chức theo nghi thức truyền thống với nhiều hoạt động. Trong đó sôi nổi và trang nghiêm nhất là nghi thức Nghinh Ông xuất hàng qua tất cả các tuyến đường lớn với sự tham gia của hơn 1000 người. Ngoài ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an, mùa màng tươi tốt thì lễ hội còn góp phần quảng bá và phát triển du lịch của địa phương.

>>> Xem ngay: Những lễ hội ở Cà Mau thu hút du khách

5. Lễ hội Kỳ Yên – Vĩnh Bình

Là lễ hội ở Tiền Giang có quy mô lớn nhất và nổi bật nhất diễn ra vào các ngày từ 14 đến ngày 16 tháng Chạp âm lịch. Lễ hội Kỳ Yên diễn ra tại thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, đây là một trong những nơi của xứ Gò Công có người Việt đến khẩn hoang, sinh sống sớm nhất. Là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của địa phương, lễ hội Kỳ Yên đánh dấu một năm làm ăn thuận lợi, mưa thuận gió hòa, dành cho nhau những lời chúc phúc cho năm mới bình an, mùa màng bội thu…

Lễ hội Kỳ Yên - Vĩnh Bình
Lễ hội Kỳ Yên – Vĩnh Bình

Các hoạt động chính trong các ngày lễ đó là múa lân sư rồng tại đình lớn, rước vong linh các bậc tiền nhân, dâng lễ vật gồm xôi thịt, bánh trái cúng đình. Tổ chức các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, bắt vịt trên sông, đẩy cây, bịt mắt đập nồi,… Lễ thả hoa đăng trên các dòng sông vào ban đêm, triển lãm các sản vật độc đáo của địa phương,…

6. Lễ hội Nghinh Ông – Vàm Láng

Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng diễn ra hàng năm vào ngày mùng 9 tháng 3 âm lịch tại Lăng ông Nam Hải của huyện Gò Công Đông. Các hoạt động cúng bái theo nghi thức sẽ là lễ cúng tiên sư, thỉnh cỗ bánh, thỉnh vong trên bộ, thỉnh vong lạc thủy, cúng bình an… Kế đến là lễ rước kiệu Ông Nam Hải bởi đoàn thuyền rồng và hàng trăm tàu ghe được trang hoàng lộng lẫy. Cuối cùng là lễ Nghinh Ông ở ngoài biển khơi, sau khi phần tế ngoài biển kết thúc, các tàu ghe sẽ trở về thực hiện nghi thức tại Lăng Ông.

Lễ hội Nghinh Ông - Vàm Láng
Lễ hội Nghinh Ông – Lễ hội ở Tiền Giang đặc sắc

Tại Lễ hội Nghinh Ông, ngoài phần lễ tôn nghiêm cũng sẽ có phần hội sôi nổi như tổ chức các trò chơi dân gian như đua ghe, đá bóng, kéo co, đẩy gậy,… với sự tham gia nhiệt tình của những người dân địa phương và sự cổ vũ của khách thập phương. Nghinh Ông là lễ hội góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa trong đời sống của người dân đồng thời tạo sự đoàn kết trong cộng đồng địa phương.

7. Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp

Làng cổ Đông Hòa Hiệp nằm tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè. Khu làng cổ này có đến 10 ngôi nhà mang phong cách nhà vườn Nam Bộ, 3 ngôi chùa cổ và 1 đình làng đã tồn tại hơn 100 năm. Những công trình này hiện vẫn giữ được nguyên trạng các vật dụng, bàn ghế chạm trổ tinh xảo từ thời xưa. Ngoài ra còn có các vật phẩm bằng sành sứ quý giá.

Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp
Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp

Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp thường diễn ra vào tháng 11 hằng năm nhằm phát nâng cao giá trị tinh thần và quảng bá du lịch địa phương với các hoạt động như hội chợ thương mại, triển lãm sinh vật cảnh, giống cây trồng, hội thi làm bánh dân gian, giao lưu đờn ca tài tử…

Hoài Nguyễn

Ảnh: Internet

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

error: