Du lịch văn hóa tâm linh đóng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển tiềm năng du lịch của tỉnh An Giang. Ngoài những ngọn núi với những câu chuyện kì bí, những ngôi chùa, miếu có kiến trúc độc đáo để du khách chiêm ngưỡng, nơi đây còn có những lễ hội đặc sắc. Hãy cùng đến với Top 6 Lễ hội ở An Giang mà bạn không nên bỏ lỡ sau đây:
Mời các bạn xem Lễ hội đua bò Bảy Núi – An Giang tại đây với tụi mình nhé
Danh mục bài viết
1. Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ
Các bạn vào xem các video về miền Tây tại youtube của bọn mình nhé
Các bạn có thể xem video Lễ hội bà chúa xứ núi Sam tại đây nhé
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một trong những lễ hội có quy mô lớn nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào các ngày 22,23 tháng 4 âm lịch. Lễ hội này đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Lễ Vía bà Chúa Xứ diễn ra với các nghi thức như Lễ phục hiện rước tượng Bà, Lễ tắm bà, Lễ thỉnh sắc thần Thoại Ngọc Hầu, Lễ Túc Yết, Lễ xây chầu.
Lễ vía Bà Chúa Xứ Núi Sam ngoài để tạ ơn những công đức của Bà đối với nhân dân mà còn để mọi người cúng tế cầu mong cho mưa thuận gió hòa, đất đai phì nhiêu, mùa màng tươi tốt, nhân dân no ấm… Đi kèm với phần lễ là phần hội được tổ chức sôi nổi, mang đậm nét đẹp văn hóa sông nước như các trò chơi dân gian, đua thuyền rồng, trình diễn văn nghệ dân tộc, thả đèn hoa trên ngã ba sông Châu Ðốc, múa lân sư rồng tại Miếu Bà…
>>> Xem ngay: Top lễ hội đặc sắc ở Cần Thơ
2. Lễ Dolta và hội đua bò Bảy Núi
Lễ Dolta là một dịp tết của người Khmer nhằm tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, xây dựng phum sóc, cầu phước cho linh hồn của những người đã khuất đồng thời là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, những người đã sinh thành và nuôi dưỡng. Lễ Dolta thường được tổ chức vào ngày 29 tháng 8 đến ngày 1 tháng 9 âm lịch. Trong dịp này các chùa Khmer ở An Giang sẽ có các lễ hội, biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc của dân tộc như hòa nhạc ngũ âm, hát dù kê, Robăm…
Bên cạnh các buổi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tại các chùa, vào Lễ Dolta người Khmer còn tổ chức Hội đua bò Bảy Núi với quy mô cấp tỉnh và thu hút đông đảo du khách tham dự. Ngoài thể hiện tín ngưỡng thì đây còn là dịp để thắt chặt tinh thần đoàn kết của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm tại vùng Thất Sơn và cả Đồng bằng sông Cửu Long.
>>> Xem ngay: Những lễ hội tiêu biểu ở Vĩnh Long
3. Lễ hội Đình Châu Phú
Lễ hội Đình Châu Phú một lễ hội khá đặc sắc của người dân An Giang diễn ra vào trung tuần tháng 5 âm lịch hàng năm. Lễ hội diễn ra với ý nghĩa tưởng nhớ công ơn của những vị thành hoàng Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu cùng những người đã có công khai khẩn vùng đất An Giang. Các nghi thức lễ được tổ chức long trọng với xe hoa lộng lẫy, long đình, chiêng trống…
Nét độc đáo nhất của Lễ hội Đình Châu Phú là hội đua thuyền cực kỳ hấp dẫn với hàng nghìn người đứng hai bên bờ kênh cổ vũ nhiệt tình tạo nên không khí rất sôi nổi. Đặc biệt là có đội cổ vũ với ngoài hình được hóa trang thành các thổ dân da đen, bôi nhọ đen lên khắp người, trang trí bằng lá cây… nhìn rất lạ mắt.
4. Lễ hội Roya của người Chăm An Giang
Tết Roya Haji là ngày tết truyền thống của dân tộc Chăm theo đạo Islam với ý nghĩa là ngày tết của sự yêu thương và tha thứ. Tết Roya Haji thường sẽ diễn ra trong thời gian 3 ngày, bắt đầu từ ngày 10 tháng 12 theo lịch Hồi giáo. Vào những ngày Lễ Roya, người Chăm sẽ dành thời gian bên gia đình, đi thăm người thân, bạn bè và không quên tặng cho họ những món quà ý nghĩa tượng trưng cho sự yêu thương.
Mùa Roya Haji, người Chăm sẽ chuẩn bị nhà cửa thật khang trang, trẻ em thì sẽ được khoác lên mình những bộ đồ mới… Mọi người sẽ mặc trang phục truyền thống và đến thánh đường để thực hiện các nghi lễ thật trang nghiêm. Sau buổi lễ, mọi người sẽ bắt tay, ôm nhau và gửi những lời tha thứ cho những phiền não trong năm.
>>> Xem ngay: Về Kiên Giang tham dự lễ hội
5. Lễ hội Chol Chhnam Thmay An Giang
Cũng giống như đồng bào Khmer ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bào Khmer An Giang cũng tổ chức lễ hội Chol Chhnam Thmay vào khoảng thời gian từ ngày 14-16 tháng 4 dương lịch hàng năm. Đây chính là thời điểm kết thúc năm cũ và đón chào năm mới theo lịch Khmer và là dịp để bà con nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao động vất vả.
Cũng giống như tết của người Kinh, vào những ngày Chol Chhnam Thmay đồng bào Khmer trang hoàng nhà cửa thật đẹp, bày lên bàn thờ tổ tiên các loại kẹo mứt, trái cây, các loại bánh truyền thống. Các gia đình sẽ mang lễ vật đến chùa để thắp hương cầu nguyện cho một năm mới bình an, sung túc. Sau đó là lễ cầu nguyện cho các vong linh được siêu thoát và lễ tắm phật thật trang nghiêm.
6. Lễ tôn vinh Thoại Ngọc Hầu
Thoại Ngọc Hầu là người có công khai phá vùng đất Nam Bộ, khai khẩn đất hoang, lập làng lập ấp và xây nhiều đình chùa ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long. Ông cũng chính là người cho tiến hành đào hai con kênh lớn là Vĩnh Tế và Thoại Hà có chiều dài hơn 100km giúp người dân đi lại dễ dàng, thúc đẩy giao thương buôn bán được thuận lợi, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển du lịch.
Để ghi nhớ công ơn to lớn của danh thần Thoại Ngọc Hầu, sau khi ông mất, nhân dân An Giang đã lập đến thờ ông tại Núi Sam, Châu Đốc và đưa lăng Thoại Ngọc Hầu vào trong quần thể di tích lịch sử quốc gia Núi Sam. Hằng năm cứ đến mùng 6 tháng 6 âm lịch, nơi đây sẽ diễn ra Lễ tôn vinh Thoại Ngọc Hầu với các nghi lễ truyền thống cũng như nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn.