Ẩm thực miền Tây vốn được cho là đơn giản, mộc mạc, dung dị như chính người miền Tây vậy. Tuy nhiên vùng sông nước cũng có một món ăn đặc sản mà có cách ăn lạ đời, lại được đầu tư công phu, đó là lẩu cù lao. Bạn đã từng thưởng thức, hay biết gì về món ăn này rồi, hãy cùng Tui là người miền Tây tìm hiểu ngay bây giờ nhé!
Khám phá thêm đặc tưng văn hóa miền Tây: tại đây
Danh mục bài viết
Tại sao lẩu cù lao lại là đặc sản của người miền Tây?
Với những người dân “rặc” miền Tây, “cù lao” không chỉ dùng chỉ một mảnh đất bao la được bao bọc bởi những nhánh sông chằng chịt đôi bờ như cù lao Tân Qui, cù lao Dung, … Trong ẩm thực Tây Nam Bộ, “cù lao” còn là một dụng cụ nấu ăn độc đáo dùng để đựng món lẩu ngọt/ lẩu cù lao vô cùng thơm ngon hấp dẫn.
Chẳng biết từ bao giờ, lẩu cù lao trở thành đặc trưng trong văn hóa ẩm thực miền sông nước. Món ăn này được chế biến khá công phu và đòi hỏi sự tỉ mỉ của người nấu nên thông thường chỉ xuất hiện trong các ngày lễ cưới hỏi, đám tiệc trong gia đình, dòng họ của người dân nơi đây.
Món ăn này có vị thanh tao, nước thanh, ngọt tự nhiên của rau củ nên ăn không bị ngán. Ngày nay, trước sự phổ biến của những loại lẩu du nhập từ nước ngoài như lẩu Thái, lẩu Kimchi, … Lẩu cù lao vẫn được nhiều người con miền Tây ưa chuộng như giữ gìn nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực.
Nguyên liệu để nấu lẩu cù lao
Để nấu lẩu cù lao, trước tiên bạn phải đảm bảo nguyên liệu thật tươi ngon, rau củ phải còn non để nước trong và ngon ngọt.
Nguyên liệu cho nước dùng gồm có:
- 1 con mực nhỏ khô nướng
- 100g tôm khô
- 100g bắp cải
- 1 củ cà rốt
- 1 củ sắn
- 1 củ cải trắng
- 2 cây ngò rí
- Gia vị nêm nếm cho vừa ăn (tùy thích)…
Lẩu cù lao miền Tây đúng bài phải ăn kèm với:
- 100g tim heo
- 100g gan heo
- 1kg xương ống
- 200g chả cá thát lát
- 2 quả trứng vịt
- 1 miếng da heo khô
Tui là người miền Tây gợi ý bạn hãy tùy vào số lượng người ăn mà bạn có thể gia giảm nguyên liệu cho vừa ăn nhé!
Cách nấu lẩu cù lao đúng chuẩn dân miền Tây
Bước 1: Nấu nước dùng chuẩn
Sơ chế sạch tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị. Bạn bắt nồi nước sôi, chần xương qua cho sạch. Sau đó cho thêm khoảng 2 lít nước lọc vào để nấu thành nước dùng. Khi nước sôi, hãy nhớ cho thêm tôm khô, mực khô (xé nhỏ) và củ cải trắng vào cho ngọt nước. lúc này nêm nếm thêm đường, muối, bột ngọt, .. cho vừa ăn nhé!
Bước 2: Chần tim, gan, heo
Đối với những nguyên liệu này, bạn dùng dao lạng mỏng ra thành từng miếng vừa ăn, rồi chần qua nước sôi một lần.
Bước 3: Phết chả cá thác lác
Đây là công đoạn quan trọng phải cần đến sự khéo léo của người nấu. Bạn cho phần chả cá đã mua ra tô hoặc thau, cho thêm hành lá, tiêu, ít muối hoặc nước mắm vào chả cá rồi trộn đều tay. Đập nhiều lần chả cá để thịt cá được dai. Tiếp đến, đập trứng vịt rồi khuấy đều, bắc lên chảo tráng một lớp thật mỏng. Sau đó, phết chả cá lên trứng rồi cuộn lại, hấp chín rồi thái thành từng lát.
Bước 4: Da heo khô
Bạn dùng dao cắt xéo da heo khô thành miếng hình thoi rồi ngâm với nước và bóp cùng nước gừng, sau đó xả sạch. Kế đến, vắt ráo, xào sơ với tỏi phi thơm.
Bước 5: Cuộn giò sống cùng bắp cải và hấp chín
Trước tiên bạn chần sơ bắp cải, hành lá. Kế đến, quết giò sống rồi nêm nếm cùng hành tím băm, cho thêm ¼ muỗng cà phê tiêu, ¼ muỗng cà phê muối và đập nhiều lần cho dai. Cho một ít giò sống lên bắp cải rồi cuộn lại. Sau đó phải thật khéo léo dùng hành buộc lại cho nhân không bị bung ra.
Sau khi cuộn xong cho các cuộn vào nồi hấp trong khoảng 10 phút rồi lấy ra.
Bước 6: Tỉa rau củ
Để cho nồi lẩu cù lao thêm bắt mắt đòi hỏi phải khéo léo tỉ tót rau củ như cà rốt, củ sắn, bông cải xanh rồi ngâm nước cho nở thành bông.
Độc đáo “cù lao”, dụng cụ nấu lẩu độc nhất vô nhị
Lẩu cù lao trở thành một nét chấm phá vô cùng độc đáo trong ẩm thực các tỉnh miền Tây sông nước. Để thưởng thức món ăn này đúng điệu làm sao có thể thiếu cù lao – dụng cụ đựng lẩu ngọt độc nhất vô nhị của người dân nơi đây.
Cù lao là 1 chiếc nồi rất giống chân đèn, nhưng to hơn khi kết hợp với một chiếc thau nhôm hình trụ có ống khói rỗng ở giữa để đựng than. Sở dĩ có tên gọi là “cù lao” bởi vì chiếc cù lao naỳ cũng giống như một vùng đất nổi lên giữa bốn bề sông nước mà nó có cái tên lạ lẫm như thế và thể hiện sự sáng tạo của người dân, hình thành nên món ăn mang đậm dấu ấn bản địa, không thể nhầm lẫn.
Khi thưởng thức, bạn chuẩn bị bếp lửa, xếp tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị vào nồi rồi chan nước dùng vào, rắc thêm một ít ngò rí lên trên rồi nấu sôi. Chờ khi nồi lẩu cù lao đã chín thì vừa chan nước dùng vừa ăn cùng bún thôi.
Lưu ý với công thức chuẩn cho nồi lẩu cù lao
Để nấu lẩu cù lao ngon, Tui là người miền Tây sẽ cung cấp cho các bạn một vài mẹo sau đây:
Trước khi cho tôm khô vào nồi lẩu nên ngâm vào nước trước tầm 5 phút để tôm mềm ra.
Chần sơ cà rốt, bông cải xanh, củ sắn qua nước sôi trước khi bỏ vào nồi lẩu để dễ ăn hơn.
Nêm bầng đường phèn sẽ giúp nước lẩu ngọt thanh hơn
Ý nghĩa lẩu cù lao trong văn hóa ẩm thực miền Tây
lẩu cù lao phải ăn nóng mới ngon. Trong không khí ấm cúng tất cả mọi người sẽ ngồi quay quần với nhau, cùng thưởng thức vị ngọt thanh của nước dùng cùng với sự tươi ngon của các nguyên liệu ăn kèm khiến cho thực khách ăn một lần sẽ không quên.
Hình ảnh tất bật của các dì, các mẹ, các chị cùng nhau làm ra món lẩu trở nên xôm tụ hơn bao giờ hết. Món ăn này phải cần mỗi người một khâu mới có thể hoàn thành sớm được. Công việc được phân ra, người thì nấu nước dùng, người khéo léo tạo hình cho những viên chả tròn trĩnh, người ngồi xắt tỉa rau củ, bày biện ra chiếc cù lao để dọn lên mâm.
Dù bận rộn nhưng sau bếp là tiếng cười nói rôm rả của các mẹ các dì. Bởi vậy mới nói lẩu cù lao là đặc sản “xịn” của người miền Tây bởi chỉ những dịp quan trọng mới có đủ người chế biến. Tình làng nghĩ xóm, sự gắn kết sum vầy được thể hiện trong lẩu cù lao thể hiện ở chỗ đó.
Có dịp về miền Tây, bạn đừng quên thưởng thức món lẩu cù lao gây thương nhớ này nhé! Và tin rằng chỉ có ở miền Tây, món lẩu này mới được thực hiện đúng bài bản và mang trọn vẹn ý nghĩa của nó.
Mời các bạn truy cập YouTube hoặc Facebook để tìm hiểu thêm nhiều nét văn hóa và địa điểm hấp dẫn khác ở miền Tây nhé!