Du lịch Chợ nổi Cái Răng | Điểm đến hấp dẫn miền Tây sông nước

Chợ nổi Cái Răng

Là một trong các chợ nổi có tiếng tại miền Tây sông nước. Chợ nổi Cái Răng hấp dẫn du khách gần xa không chỉ bởi nét ẩm thực dân dã độc đáo, mà còn bởi nền văn hóa sông nước ít nơi nào có được. Vậy Chợ nổi Cái Răng có gì hấp dẫn? Đi đến Chợ nổi bằng cách nào?… Sau đây, Tui là người miền Tây xin chia sẻ với bạn tất cả những kinh nghiệm khi du lịch Chợ nổi Cái Răng.

> Xem thêm: 32 điểm đến hot nhất Cần Thơ không nên bỏ lỡ (Phần 1)

1. Chợ nổi Cái Răng ở đâu?

Chợ nổi Cái Răng ở đâu
Chợ nổi Cái Răng ở đâu

Nằm trên một nhánh của dòng sông Hậu, chảy qua địa phận quận Cái Răng, thuộc xã Mỹ Phong và cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km. Chợ hình thành do nhu cầu thiết yếu của người dân khi cuộc sống hàng ngày đều gắn liền với tàu ghe và sông nước. Chợ nổi Cái Răng được đánh giá là nơi giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản và giao lưu văn hóa sầm uất nhất trong các chợ nổi miền Tây Nam Bộ.

Khách du lịch ghé thăm Chợ nổi
Khách du lịch ghé thăm Chợ nổi

Nói thêm về cái tên Chợ nổi Cái Răng, theo những người sinh sống lâu đời ở đây cho biết. Từ thời khẩn hoang, lập ấp tại vùng đất này, bỗng dưng xuất hiện một con cá sấu có thân hình to lớn trôi dạt vào. Răng của nó cắm vào miệng đất này nên người dân đặt cho nơi đây tên là Cái Răng. Về sau hình thành nên chợ nổi ngay nhánh sông chính nên người dân lấy tên Cái Răng đặt luôn cho chợ nổi để dễ nhớ.

Ghe hàng trên Chợ nổi Cái Răng
Ghe hàng trên Chợ nổi

Ngoài ra cũng có một nguồn lý giải khác đó là do thời xa xưa, người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn) làm rất nhiều karan (bếp nấu bằng đất sét) đi bán khắp nơi. Đặc biệt là tập trung bán rất nhiều tại khu vực sông nước Cần Thơ này. Do từ khó đọc mà lâu dần, người Việt đã phát âm của chữ “karan” thành chữ “cà ràng” rồi Cái Răng. Từ đó ra đời địa danh Cái Răng cho đến ngày nay.

2. Cách đi Chợ nổi Cái Răng dễ nhất cho bạn

Chợ nổi Cái Răng cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km, có 2 cách để bạn có thể đi đến được đây, đó là đường bộ và đường sông.

Đi Chợ nổi Cái Răng bằng xe máy
Đi Chợ nổi Cái Răng bằng xe máy

Nếu chọn đường bộ thì mất khoảng 15 phút, bạn có thể thuê xe tự chạy, đi xe ôm hoặc taxi. Đi theo đường 30 tháng 4 hoặc đường 3/2, hướng chạy về cầu Cái Răng. Di chuyển đến chợ An Bình gần chân cầu chợ Cái Răng. Tiền taxi chỉ khoảng 50 – 60 ngàn đồng. Đến cầu Cái Răng, bạn đi một đoạn ngắn nữa là tới bến phà chợ An Bình. Sau đó thuê thuyền của các hộ kinh doanh tại đây để tham quan chợ.

Còn nếu muốn trải nghiệm nhiều hơn thì bạn có thể đặt luôn tour tham quan các địa điểm khác như chợ Phong Điền, Mỹ Khánh,… Giá thuê tàu tại bến phà An Bình cũng không cao lắm, tầm 150 – 400 ngàn đồng cho chuyến từ 2 – 12 người.

Đi Chợ nổi Cái Răng bằng tàu
Đi Chợ nổi Cái Răng bằng tàu

Lựa chọn thứ hai cho bạn để đến chợ nổi là đi tàu từ Bến Ninh Kiều, thời gian di chuyển khoảng 30 phút. Đi bằng tàu sẽ thú vị hơn nhiều vì bạn được ngắm cảnh sông nước hai bên bờ và cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của sông nước miền Tây. Để tiết kiệm chi phí và thời gian chờ đợi, bạn nên ghép chung đoàn để đi trên một tàu. Giá vé khoảng 500.000VNĐ – 800.000VNĐ/nhóm từ 10 – 12 người

3. Nên đi Chợ nổi Cái Răng vào lúc nào?

Hoạt động chính của Chợ nổi Cái Răng là để giao thương các loại nông sản, hàng hóa ở khắp các tỉnh thành miền Tây đổ về nên chợ họp từ rất sớm và sau đó sẽ tan chợ khi đã trao đổi xong. Từ lúc tờ mờ sáng (khoảng 4 giờ) là hàng trăm chiếc ghe thuyền từ khắp các nhánh sông sẽ kéo về đây và buôn bán.

Bình minh Chợ nổi Cái Răng
Bình minh Chợ nổi Cái Răng

Vì thế bạn lên kế hoạch đến đây thật sớm (tốt nhất là tầm 5 giờ đến 8 giờ sáng nhé) để tận hưởng trọn vẹn sự sung túc và tấp nập nhất của chợ. Ngoài ra đến chợ vào buổi sớm bạn sẽ còn được ngắm nhìn cảnh bình minh thật đẹp trên dòng sông Hậu nên thơ và chụp cho mình những bức hình check in thật độc lạ.

Check in trên Chợ nổi
Check in trên Chợ nổi

Chia sẻ nhỏ nữa cho bạn là thời điểm trải nghiệm không khí chợ nổi tuyệt vời nhất là vào mùa nước nổi (giữa tháng 8 đến cuối tháng 11). Vì lúc này lượng sản vật trao đổi tại chợ sẽ vô cùng đa dạng, nhiều màu sắc. Số lượng tàu ghe về cũng nhiều hơn nên quanh cảnh sẽ vô cùng sôi động.

Hoạt động buôn bán trên Chợ nổi Cái Răng
Hoạt động buôn bán trên Chợ nổi Cái Răng

Ngoài ra, ghé chợ vào dịp tết cũng là thời điểm lý tưởng. Cả khu chợ sẽ tràn ngập rất nhiều các loại hoa từ các làng hoa của miền Tây tụ hội về. Ngoài ra, sẽ thật thú vị nếu bạn tới đây đúng dịp Lễ Thượng Điền và Lễ Hạ Điền ở Cần Thơ vào tháng Tư/ tháng Chạp.

Chợ nổi Cái Răng dịp Tết
Chợ nổi Cái Răng dịp Tết

Lưu ý cho bạn là chợ không hoạt động và hoạt động rất ít vào các ngày Tết Âm Lịch (mồng 1 và mồng 2) và Tết Đoan Ngọ nhé.

4. Nét độc đáo thú vị của Chợ nổi Cái Răng

Hiện nay, mặc dù đã hình thành rất nhiều điểm chợ nhưng chợ nổi vẫn giữ được vị trí đặc biệt vốn có của văn hóa sông nước và ngày càng đông đúc hơn.

Ghe bán bí trên Chợ nổi
Ghe bán bí trên Chợ nổi

Đến chợ nổi Cái Răng vào buổi sớm mai, bạn sẽ cảm nhận sự sôi động của khu chợ này. Hàng trăm ghe hàng tụ về đầy ắp cả khúc sông. Mỗi ghe sẽ bán một mặt hàng khác nhau, từ các loại trái cây đặc sản miền Tây cho đến các loại vật dụng cho cuộc sống thường ngày.

Cây bẹo trên ghe
Cây bẹo trên ghe

Đặc biệt là tại chợ nổi người ta không dùng biển quảng cáo hay ghi tên mặt hàng mình bán lên thân ghe. Mà người ta dùng một cây sào cao làm bằng tre, dân miền Tây gọi là “cây bẹo”, để treo mặt hàng mình bán lên đó, bán xoài treo xoài, bán khóm treo khóm… Chỉ cần ngồi trên xuống nhìn từ xa bạn cũng có thể biết được ngay ghe đó bán mặt hàng gì.

Thưởng thức trái cây tại Chợ nổi Cái Răng
Thưởng thức trái cây tại Chợ nổi Cái Răng

Ghé chợ nổi, ngoài ngắm nhìn các tàu ghe chất đầy ắp các loại trái cây đủ màu sắc bạn có thể thưởng thức ngay những trái cây này. Chỉ cần bạn nhờ thì những người bán hàng thân thiện sẽ gọt luôn cho bạn nhé. Ngoài trái cây, nông sản, bạn còn có thể thưởng thức các món ăn đậm chất miền Tây như bún riêu, bún mắm, phở, hủ tiếu… ngay trên xuồng. Các cô chú ở đây đều đã buôn bán từ rất lâu đời nên hương vị các món ăn đều rất đậm đà và ngon, giá cả cũng rất là hợp lý (15 – 30 ngàn đồng)

Ghe bún mắm trên chợ nổi
Ghe bún mắm trên chợ nổi

Một ngày trải nghiệm tại chợ nổi Cái Răng, đảm bảo bạn sẽ phải quyến luyến nơi này. Không chỉ bởi cảnh sắc vui tươi, tàu ghe nhộn nhịp mà còn bởi sự vui vẻ, hài hước, thân thiện của những người dân miền tây quanh năm lênh đênh mưu sinh trên sông nước.

Nụ cười của cô bán bánh mì
Nụ cười của cô bán bánh mì

Họ có thể tặng thêm trái cây khi bạn mua hàng, có thể bớt cho bạn chút giá, không chặt chém và không phân biệt khách tây khách ta.

5. Kinh nghiệm khi ghé đến Chợ nổi Cái Răng

Để chặt bị chặt chém khi tham quan tự túc, bạn cần thương lượng kỹ với chủ tàu về thời gian đi về, giá cả và các điểm bạn sẽ được tham quan

Một số tài công sẽ có ghé vào các điểm mua sắm mà họ đã liên hệ trước, nếu không thích hoặc cảm thấy bị phiền hà, bạn có thể báo trước với họ là không ghé những địa điểm này.

Mua nông sản tại Chợ nổi
Mua nông sản tại Chợ nổi

Vì di chuyển chủ yếu bằng tàu trên sông, để đảm bảo an toàn, đặc biệt với các bạn không biết bơi thì bạn nên mặc áo phao. Tránh để tay lên thành tàu khi tàu cập bến hoặc ghé các điểm tham quan nhé

Mặc áo phao khi tham quan Chợ nổi
Mặc áo phao khi tham quan Chợ nổi

Gần chợ nổi Cái Răng còn có rất nhiều điểm du lịch khác của Cần Thơ như làng du lịch Mỹ Khánh, vườn trái cây Phong Điền, cơ sở sản xuất hủ tiếu pizza,… nếu muốn bạn có thể book thêm tour này với chủ tàu

Buổi sáng trên Chợ nổi Cái Răng
Buổi sáng trên Chợ nổi Cái Răng

Thời điểm chợ nổi đẹp và đông đúc nhất là tầm 5 – 6 giờ sáng. Bạn nên tranh thủ đi vào khoảng thời gian này để tha hồ check in cảnh đẹp nhé

Đi chợ nổi có thể đi nhiều thời điểm khác nhau trong buổi sáng, tuy nhiên thời điểm đẹp nhất là 5h00 – 6h00.

Ẩm thực Chợ nổi Cái Răng
Ẩm thực Chợ nổi Cái Răng

Cuối cùng, trước khi mua trái cây, nông sản hay đồ ăn, nước uống, bạn cần hỏi giá trước để tránh bị chặt chém làm mất chuyến đi của bạn

> Xem thêm: 32 điểm đến hot nhất Cần Thơ không nên bỏ lỡ (Phần 2)

Nét đẹp Chợ nổi miền Tây
Nét đẹp Chợ nổi miền Tây

Với những ai thích tìm hiểu về sinh hoạt của những thương hồ với nhiều thế hệ sinh sống và buôn bán trên tàu ghe. Hoặc với những ai thích cảm giác được lênh đênh trên xuống, ngắm nhìn cảnh sắc miền Tây xinh đẹp, lắng nghe những âm thanh nhẹ nhàng của cuộc sống thì nhất định phải ghé đến nơi đây một lần.

Tổng hợp: Hoài Nguyễn

Nguồn ảnh: Internet

Website: Tuilanguoimientay.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

error: