Miền Tây sông ngòi mênh mông, đâu đâu cũng có, tôm cá cũng vì thế mà dồi dào. Vào mùa nước nổi, thủy hải sản ở khắp mọi nơi đổ về các kênh rạch lớn nhỏ của miền Tây, đây cũng là dịp để nghề đánh bắt và khai thác sản vật tự nhiên phát triển. Đánh bắt về nhiều, ăn không hết nên người dân thường đem đi làm khô để ăn được lâu hơn. Dần dần các loại khô đồng trở thành một món đặc sản nổi tiếng của miền Tây vào mùa nước nổi. Nổi tiếng nhất và ngon nhất chính là các loại khô đồng miền Tây sau đây:
>>> Xem ngay: Đậm đà lẩu mắm rau đồng miền Tây
Danh mục bài viết
1. Khô cá linh
Trong ẩm thực mùa nước nổi miền Tây, Cá linh chính là món ăn được nghĩ đến đầu tiên. Ngoài cá linh tươi thì cá linh khô cũng hấp dẫn không kém, nếu về miền Tây mùa này thì đừng quên thưởng thức đặc sản cá linh khô.
Cá linh là một loại cá trắng nước ngọt theo con nước lớn từ vùng thượng nguồn sông Mêkông đổ về vùng hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long. Mùa nước nổi cá linh có khắp ở mọi nơi, kênh rạch sông ngòi nào cũng có, nhưng nhiều nhất là ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long An. Đầu mùa cá linh còn non nên kích thước nhỏ, chỉ cỡ đầu đũa. Cá linh lớn sẽ to bằng 2 ngón tay, cá linh có nhiều xương nhưng mềm, thịt ngọt béo ngậy rất dễ ăn.
Cá linh đánh bắt trên những đồng nước sẽ được chế biến thành rất nhiều món, trong đó có món khô cá linh. Đơn giản đem cá linh tươi đi sơ chế cho sạch, phơi dưới nắng khoảng 1 tuần là được. Khô cá linh đạt chuẩn sẽ có màu tự nhiên của thịt cá, da cá khô ráo, có mùi tanh nhẹ nhẹ. Thưởng thức cá linh khô nhanh nhất là cứ đem chiên, vừa dễ ăn vừa đậm đà.
2. Khô cá tra phồng
Khô cá tra phồng là một món đặc sản của miệt Châu Đốc An Giang. Vào mùa nước lũ, những người dân ở đây lại đổ ra các nhánh sông lớn để đánh bắt cá tra từ Biển Hồ – Campuchia đổ về.
Cá đánh bắt được sẽ nặng khoảng 2-3kg, người dân sẽ lựa chọn những con cá đạt chất lượng, đem đi sơ chế cho thật sạch, lóc xương, tẩm ướp gia vị rồi xếp lên mành tre đem phơi dưới nắng tự nhiên. Một gia vị nhất định phải có đó là muối, ướp vừa tay không được quá nhiều sẽ làm cá mặn, cũng không được quá ít sẽ làm cá bị sình, bủn thịt mất ngon.
Cá tra phơi khoảng 3 đến 4 đợt nắng sẽ có màu vàng bóng đạt chuẩn. Khi này là có thể ăn được. Thịt cá tra phồng có hương vị rất thơm ngon, thưởng thức đúng phải là đem đi chiên chứ không được nướng. Khi chiên phần thịt cá sẽ phồng lên rất đẹp mắt, trở đều tay để cá chín vàng đều hai mặt là được. Thịt cá khi chiên xong sẽ vẫn còn giữ được vị mặn mà, thơm phức, bùi béo. Ăn kèm thêm một chút rau sống sẽ giúp hài hòa với vị mặn của thịt cá, đảm bảo ăn một lần là ghiền món này.
3. Khô cá lóc
Đồng Tháp Mười là vùng nổi tiếng với làng nghề làm khô cá lóc lâu đời. Trải qua bao nhiêu năm, đặc sản khô cá lóc tại đây vẫn giữ được nguyên hương vị đậm đà, truyền thống của miền sông nước.
Khô cá lóc không chỉ là một món ăn ngon, nhiều dinh dưỡng mà còn có giá trị kinh tế cao, người dân làm nghề quanh năm vẫn không đủ bán ra thị trường. Nguyên liệu chủ yếu là cá lóc nuôi trong các bè, do lượng cá lóc đồng hiện nay bị khan hiếm. Tuy nhiên, ngon nhất vẫn là khô từ cá lóc đồng. Đến mùa nước nổi, cá lóc tự nhiên lại về, đây chính là dịp để người dân đánh bắt và cho ra thị trường món khô cá lóc đồng.
Khô cá lóc có thể được chế biến thành rất nhiều món hấp dẫn như khô cá lóc nướng, khô cá lóc chiên, khô cá lóc kho thịt ba rọi… bén mồi nhất chính là món khô cá lóc nướng xé trộn gỏi xoài chua hay gỏi sầu đâu. Nước chấm ngon nhất cho món này là nước mắm me dầm ớt hay nước mắm chanh tỏi ớt.
4. Khô cá sặc
Loại khô này có rất nhiều tên gọi, ở miệt Cà Mau, Bạc Liêu thì là khô cá sặc bổi, An Giang, Đồng Tháp thì kêu cá sặc rằn, còn Bến Tre gọi là cá lò tho… Khô cá sặc mỗi nơi sẽ có kích thước to nhỏ và hương vị khác nhau. Nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất chính là khô cá sặc bổi vùng U Minh, Cà Mau.
U Minh là vùng rừng tràm ngập mặn, cá sặc bổi ở đây có dáng to, vân đen trắng đẹp mắt, thịt rất chắc và dai, ít xương. Cá tươi bắt về, làm sạch, ướp thêm chút muối, phơi qua 1 2 con nắng gắt là thành khô.
Để bảo quản lâu ngày cũng như có thể mang được đi xa, người chế biến khô cá sặc đã nghĩ đến việc hút chân không đặc sản này. Vì thế bạn có thể dễ dàng mua về nhà sử dụng dần dần hoặc làm quà tặng cho bạn bè, người thân.
Khô cá sặc chỉ cần nướng hoặc chiên là có thể ăn ngay với cơm được, còn muốn thưởng thức cầu kì hơn thì hãy thử chế biến gỏi khô cá sặc với dưa leo, xoài chua hoặc lá sầu đâu, đảm bảo ngon hết chỗ chê.
>>> Xem ngay: Ẩm thực mùa nước nổi miền Tây
5. Khô nhái
Khô nhái, một loại khô đồng miền Tây khá lạ lẫm với những ai lần đầu du lịch đến đây, lạ vậy thôi nhưng mà khi một lần được thưởng thức món này rồi thì sẽ phải tấm tắc khen ngon mãi.
Khô nhái còn có cái tên mỹ miều là vũ nữ chân dài, hầu như đều có ở khắp các tỉnh miền Tây, nhiều nhất là ở vùng An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau… Nhái được chọn làm khô không phải là những con nhái to, nhiều thịt mà là những con ếch nhỏ nhưng thịt chắc.
Khô nhái có nguồn gốc từ Campuchia, được những người dân các tỉnh biên giới học cách làm và mày mò cách chế biến, dần dần mang hương vị đậm chất miền Tây. Khô nhái thịt ít nhưng chắc, xương mềm, nhiều chất dinh dưỡng như protein, lipid, vitamin, Ca…
Ăn khô nhái rất đơn giản, cứ đem chiên là có ngay một dĩa vũ nữ chân dài hấp dẫn. Khô nhái chiên có màu vàng đậm, rất giòn và thơm, nhai luôn cả xương ngon lành. Ăn không thôi đã ngon rồi, đem chấm với mắm me thì tuyệt vời.
6. Khô rắn
Miền Tây có rất nhiều loại rắn sinh sống như rắn nước, rắn bông súng,.. vào mùa nước nổi chúng ngoi lên rất nhiều ở các kênh mương, người dân sẽ tranh thủ bắt về chế biến thành các món ăn đa dạng. Đặc biệt làm ra một món đặc sản mà bất cứ ai dù khó tính đến mấy cũng phải khen ngon khi thưởng thức.
Để có món khô rắn ngon phải chọn rắn tươi sống, lột da xẻ thịt thật nhanh để giữ nguyên hương vị của thịt, sau khi ướp gia vị là đem đi phơi ngay.
Khô rắn có thể làm thành nhiều món ngon, phổ biến nhất và được dân nhậu lựa chọn là nướng trên bếp than. Nướng trên lửa vừa đủ, trở đều hai mặt, đợi cháy hơi xém xém là được. Cầm xé từng miếng nhỏ khô rắn nướng cho vào miệng, nhai từ từ rồi thưởng thức cái vị ngọt và mùi thơm khó tả.
>>> Xem ngay: Đặc sản rau đồng mùa nước nổi
7. Khô chuột đồng
Một loại khô đồng miền Tây được đánh giá là khá kinh dị mà ko phải ai cũng dám thử đó là khô chuột đồng. Đây là đặc sản nổi tiếng của huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Nguyên liệu để làm ra món khô này là chuột đồng và chuột cống nhum. Ngon nhất là chuột đồng được bà con săn bắt sau khi thu hoạch lúa. Do thức ăn chủ yếu của chúng là lúa nên thịt rất thơm ngon.
Khô chuột đồng có nhiều từ tầm tháng 10 âm lịch đến tháng 3 âm lịch năm sau, giá khô dao động trong khoảng 170 – 220 ngàn/kg.
Để thưởng thức khô chuột đồng đúng điệu thì phải cho nguyên con vùi vào trong than củi, nướng cho chín từ từ, sau đó phủi cho sạch than ở lớp da rồi đem chấm muối tiêu chanh. Hoặc cũng có thể đem nguyên con chiên ngập trong chảo dầu, cho vàng ươm rồi đem chặt nhỏ từng miếng. Khô chuột ăn vừa bùi, vừa béo, nhai thì giòn rụm, thêm một chút cay cay thơm thơm thì làm mồi nhắm rượu là hoàn hảo.
Hoài Nguyễn
Ảnh: Internet