Trẻ em 8x, 9x ở miền Tây có ai mà không biết đến trái bình bát đâu. Nó gắn liền với tuổi thơ, là món quà vặt quý giá của tụi con nít nơi đây. Hôm nay, Tui là người miền Tây sẽ hướng dẫn các bạn cách ăn trái bình bát đúng chuẩn nhé!
Danh mục bài viết
Trái bình bát là trái gì?
Trái bình bát có có tên gọi là trái mãng cầu rừng, na xiêm, … thường mọc hoang rất nhiều ở cạnh bờ sông, ao hồ miền Tây. Trái bình bát còn sống sẽ có màu xanh lá, khi chín ngả sang màu vàng, có mùi thơm nhẹ đặc trưng, vỏ quả dày, bên trong thịt có màu trắng ngả vàng.
Công dụng của quả bình bát được nhiều người biết đến trong Đông y, chữa trị nhiều loại bệnh khác nhau. Các phần lá, hạt, rễ cây bình bát tươi hay khô đều có thể trở thành dược liệu quý.
Trái bình bát có ăn được không?
Trái bình bát có ăn được không là thắc mắc của nhiều người. Không chỉ có tác dụng như một phương thuốc dân gian, bình bát còn là một món quà vặt, trái cây ưa thích của bà con miền Tây.
Bình bát là loại trái ăn được, có vị hơi chua và ngọt thanh, mùi thơm nhẹ. Trái bình bát xanh, còn sống thường dùng làm vị thuốc, hỗ trợ điều trị nhiều căn bệnh. Bình bát chín thì có thể ăn trực tiếp khi quả đã mềm, hoặc chế biến thành các loại nước giải khát thơm ngon như: bình bát dầm đá đường, trà bình bát,…
>>> Trái bình bát ăn như thế nào
Cách chế biến trái bình bát
Do không quen nên nhiều người mua quả bình bát về thì không biết chế biến như thế nào cho đúng cách. Cách chế biến trái bình bát rất đơn giản. Bạn chỉ cần lựa bình bát chín theo sở thích, tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình thì bình bát chín vàng, mềm, tỏa mùi thơm là ngon nhứt. Bình bát đã ngả vàng nhưng chưa mềm thì khi ăn dễ bị sượng và không thơm bằng.
Bình bát chín khi mua về bạn chỉ cần rửa sạch vỏ bên ngoài. Sau đó dùng dao hoặc tay (nếu vỏ đã chín mềm, dễ tách ra) gỡ vỏ vàng ở ngoài ra. Lớp vỏ này sẽ để lại những hạt li ti hơi nhám trên phần thịt trái bình bát nên bạn nhớ rửa lại bằng nước sạch thêm một lần nữa nhé. Có được phần thịt trái bình bát vàng thơm, ngon ngọt rồi bạn có thể làm các món nước uống theo sở thích của mình nhé.
Cách ăn trái bình bát đúng điệu miền Tây
Ăn trái bình bát như thế nào? Ngoài việc có thể ăn trực tiếp, trái bình bát còn có thể dùng pha nước uống, làm thành mứt hay siro, các loại nước sốt cho món ăn. Tuy nhiên, ở miền Tây, cách chế biến bình bát đúng chuẩn và được nhiều người yêu thích nhất vẫn là món bình bát dầm đá đường thanh mát. Món nước giải nhiệt này khiến cho tụi con nít miền Tây mê mẩn.
Cách làm bình bát dầm đá đường:
- Sau khi chế biến xong bình bát, bạn lấy phần thịt tách nhỏ ra.
- Dùng muỗng lớn dầm phần thịt ra cho bung đều từng thớ nhỏ.
- Cho vào lượng đường theo sở thích rồi tiếp tục khuấy đều cho đường tan hết ra. Với món bình bát dầm thì bạn không cần cho thêm nước vì lượng đường và nước từ thịt bình bát đã đủ ngon rồi.
- Bước này mới quan trọng nè: Bạn kiếm túi vải sạch rồi cho đá vào, dùng chày đập cho thật nhuyễn. Bỏ phần đá nhuyễn này vào nước bình bát rồi thưởng thức thôi!
Bình bát dầm có vị ngọt, thanh mát, thơm nhẹ mùi bình bát chín nên rất dễ uống. Đây là món giải nhiệt cực kì lý tưởng trong mùa hè ở miền Tây mình đó.
>>> 10 loại trái cây độc lạ chỉ có tại miền Tây
Cách làm trà bình bát thơm ngon nổi tiếng
Một loại nước giải khát được nâng cấp từ trái bình bát dân dã là trà bình bát gây sốt trên mạng trong thời gian gần đây. Tui là người miền Tây sẽ hướng dẫn bạn cách làm trà bình bát thơm ngon dễ làm mà hổm giờ nổi tiếng quá chừng nè:
- Bạn cho đường, nước và xíu muối vào nồi và khuấy cho đường tan, nấu nước đường sôi 3 – 4 phút rồi tắt bếp, để nguội.
- Chuẩn bị thau nước sạch, cho vào đó 1 muỗng muối và vắt 1 miếng chanh. Bình bát gọt vỏ, ngâm trong thau nước muối chanh. Rồi sau đó vớt mãng cầu ra, xé nhỏ.
- Tiếp tục cho vào thau mãng cầu 100g đường vàng, bóp đều, dùng màng bọc thực phẩm bọc lại rồi phơi nắng 1 tiếng. Bạn cắt lát 2 đầu trái tắt, phần chính giữa vắt nước cho vào thau mãng cầu.
- Đổ nước đường qua ray vào thau mãng cầu, cho tắt lát vào, trộn đều. Tiếp tục cho phần mãng cầu vàng ngâm đường vào hủ, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
- Bạn pha trà bình bát ngâm đường (công thức này là cho 1 ly khoảng 400ml nhé): cho 5g đường và 100ml cốt trà (hoặc 100ml nước) vào ly, khuấy tan. Cho đá vào gần đầy ly. Múc bình bát ngâm đường cho lên trên.
Xem thêm Fanpage Tui là người miền Tây để xem thêm những thông tin về các món ăn, lễ hội, địa điểm vui chơi hấp dẫn ở miền Tây bạn nhé!