Ở những vùng sông nước miền Tây đến giờ vẫn còn truyền tai nhau về huyền thoại “ông nược” linh thiêng trên sông Mê Kông. Vậy cá nược là cá gì? Loài cá này linh thiêng đến mức nào mà người dân lại tôn sùng như vậy? Cùng tìm hiểu qua bài viết của Tui là người miền Tây để xem cá nược – ông nược đặc biệt như thế nào nhé!
>>> Xem thêm: Thực hư về chuyện cá nược tuyệt chủng
Danh mục bài viết
Cá nược là cá gì?
Hầu như chỉ có những thế hệ ông bà chúng ta ngày xưa mới từng được gặp “ông nược”. Nhiều người thắc mắc cá nược là cá gì? Thậm chí có người sống ở miền Tây vẫn chỉ nghe nói chứ chưa từng biết đến.
Cá nược là một loài động vật có vú thuộc họ cá heo biển, thường sống ở khu vực ven biển Đông Nam Á. Trước đây, loại cá này thường được tìm thấy Myanmar, Indonesia, đặc biệt là khu vực sông Mê Kông tại Campuchia và Việt Nam.
Khi có mặt ở Việt Nam, loài cá này được người dân miền Tây gọi với tên là cá nược hoặc cá nược Minh Hải. Ngày trước, cá nược thường xuyên xuất hiện tại nhiều con sông ở miền Tây, nhất là khu vực gần Campuchia như An Giang, Kiên Giang, … Ngư dân những vùng này hay gọi cá nược là “Ông Nược” nhằm bày tỏ sự tôn kính và ngợi ca về huyền thoại “Ông Nược” linh thiêng trên sông Mê Kông.
Tại sao gọi cá nược là “Ông Nược”?
Ở miền Tây ngày trước, đặc biệt là ngư dân, không ai dám gọi là cá nược hay cá nược minh hải, mà phải gọi là Ông. Lí giải về cách gọi này, người xưa cho rằng, vì cá sống lâu năm và hay giúp đỡ ngư dân khi có nạn nên người ta thể hiện sự tôn kính bằng cách gọi là “Ông Nược“.
Kịp thời cứu mạng trong những lúc bà con thập tử nhất sinh như vậy thì còn ân nghĩa nào bằng! Chính vì vậy bà con rất yêu kính, bất luận cá cái hay cá đực đều gọi chung là Ông Nược. Tuy nhiên, có người cho rằng, đó chỉ là đặc tính của cá nược khi sóng to gió lớn hay dựa vào ghe để tránh…
Nhiều người mưu sinh trên sông nước kể lại “ông nược” đã từng nổi lên đỡ ghe, xuồng đưa vào bờ lúc họ gặp nạn. Mấy đứa nhỏ miền sông nước thì hay tò mò về cái tên này lắm. Hễ hay tin Ông Nược xuất hiện là vui mừng, kéo nhau ra xem hình dáng ông như thế nào.
Tuy nhiên, những hình ảnh đó chỉ còn động lại trong kí ức của thế hệ 7x, 8x, giờ đây gặp được “Ông Nược” là một điều cực hiếm. Nhiều người cho rằng, loài cá nược đã tuyệt chủng ở Việt Nam (?).
Đặc tính của cá nược
Nhiều người thắc mắc cá nược là cá gì? Cá nược trông như thế nào? Cá nược thuộc họ cá voi biển nên khá to, toàn thân trơn nhớt, lưng cá có màu nâu đen và bụng nhạt màu hơn. So với cá nược cái, cá nược đực thường to hơn và có bộ phận sinh dục dài khoảng 5cm. Cá cái có vú lớn mọc ở vây trước. Mỗi lần mang thai, cá đẻ được 1 con, cá con nặng khoảng 10kg, bú vú mẹ cho đến khi tự tìm được thức ăn.
Khi trưởng thành cá nược có thể dài 2.5m và nặng đến 400kg. Tuy có kích thước lớn đến vậy, cá nược này được đánh giá là rất hiền và sống hòa đồng cùng với các sinh vật khác. Có người cho rằng, thức ăn của cá nược là thủy sinh, phiêu sinh nhưng có người lại cho rằng thức ăn chính của cá nược lại là các loại cá nhỏ.
Truyền thuyết về “Ông Nược” miền Tây
Chúng ta đã trả lời cho câu hỏi cá nược là cá gì rồi, vậy còn huyền thoại về “Ông Nược”. Theo những sự tích cá nược, loài cá này có thể hiểu tiếng người và giúp ngư dân đánh cá mỗi khi gặp nạn. Từ đó, tên gọi về loại cá thiêng được hình thành. Những lão ngư ở An Giang thường kể cho con cháu nghe về huyền thoại “Ông Nược” nổi tiếng khắp vùng trên khắp các nhánh sông ở miền Tây ngày xưa.
Chuyện kể rằng, những người đánh bắt hải sản thường thầm vái ông nược để đánh bắt được nhiều tôm cá. Hoặc nhiều khi thấy có luồng cá đang di chuyển nhưng không nhằm vào lưới giăng, ngư dân vỗ tay hoặc khua vào mạn thuyền, la lớn vài ba lần: “Lùa cá vô lưới giùm ông nược ơi”. Và thật kì diệu, “Ông Nược” đều đến giúp đỡ bằng cách phun nước xối xả để lùa cá vào lưới.
Rồi có những nhà sống gần khúc sông lớn, thấy ông nược bơi lội ngang qua, họ thường chọc ghẹo ông. Lát sau cả bầy cá nhào lộn, càng vỗ tay bầy cá càng nhào lộn dữ hơn. Ông Nược còn rất thích con nít. Gặp chỗ nào trẻ con nhiều, Ông Nược quấn quít mãi không rời.
Nhiều ngư dân vẫn tin rằng loài cá này có “cốt người”, chúng sống rất hiền hòa và hiểu được tiếng người. Dân thương hồ đang chơi vơi giữa sông mà gặp sóng to gió lớn, ghe sắp bị chìm, người ta hay la lớn cầu cứu: “Bớ Ông Nược! Mau mau cứu ghe chìm! Ghe chìm! Bớ Ông Nược!” … thì y như rằng “ông nược” sẽ nổi lên tựa lưng vào ghe dìu đưa vô bờ!
Quy định về liên quan đến săn bắt cá nược
Mặc dù hiện giờ rất khó tìm gặp cá nược ở những con sông miền Tây như trước nhưng theo quy định, cá nược vẫn được bảo vệ trong Công ước CITIES, không được phép mua bán, trao đổi dưới bất kì hình thức nào. Cho nên bất kì ai, đặc biệt là ngư dân trong khi đánh bắt nếu phát hiện được cá nược, phải báo ngay với chính quyền địa phương. Nếu vi phạm sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.
Cá nược chỉ còn là huyền thoại trong những câu chuyện của ông bà kể lại. Tui là người miền Tây đã lí giải cá nược là cá gì, huyền thoại về “Ông Nược” linh thiêng ra sao? Hy vọng bài viết trên gợi nhớ cho các bạn về kí ức tuổi thơ gắn liền với miền sông nước miền Tây. Mời các bạn truy cập YouTube hoặc Facebook để tìm hiểu thêm nhiều điểm đặc sắc khác ở miền Tây.