>>> Xem ngay: Du lịch miền Tây mùa nước nổi
Cứ bắt đầu từ tháng 7 âm lịch hàng năm, mùa nước nổi miền Tây lại về, mang theo con nước đục ngầu phù sa, mang theo nhiểu sản vật quý của thiên nhiên, đặc biệt là cá linh. Cá linh đầu mùa thường là ngon nhất bởi khi đó cá nhỏ, xương mềm, thịt béo ngậy, ăn rất ngon. Và đây cũng chính là loài cá đặc sản của miền Tây vào mùa nước nổi.
Danh mục bài viết
Tại sao có tên gọi Cá linh?
Về tên gọi Cá Linh thì có rất nhiều câu chuyện ly kì xung quanh cái tên này và thường được những người dân kể đến như những giai thoại.
Giai thoại đầu tiên đó là ban đầu loài cá này từ biển Hồ (Campuchia) theo con nước trôi xuống dòng sông Tiền, sông Hậu. Sau đó lại quay ngược trở lên biển Hồ, người dân gọi đó là hiện tượng “cá lên”, lâu ngày truyền miệng nhau mà cái tên này bị đọc trại đi là “cá linh”.
Giai thoại thứ hai kể rằng miền Tây là nơi sinh sản của loài cá này, không biết chúng đi đến đâu nhưng cứ đến mùng 10 tháng 10 âm lịch hàng năm, loài cá này lại xuất hiện ở đây giống như đang quay lại cội nguồn. Vì thế người dân tin rằng loài cá này có “tánh linh” nên đặt cho tên gọi là “cá linh”
Giai thoại thứ ba gắn liền với câu chuyện mang tính chất lịch sử. Đó là khi vua Nguyễn Ánh đang trên thuyền định đi từ Vàm Nam ra biển thì tự nhiên có loài cá lạ nhảy lên thuyền. Thấy có điềm lạ nên Nguyễn Ánh dừng thuyền lại và không đi nữa. Sau này mới biết nếu đi nữa là sẽ bị giết chết do quân Tây Sơn đã mai phục ở phía trước. Vì thế để tri ân loài cá này mà Nguyễn Ánh đã đặt cho nó cái tên “cá linh”.
Cá linh mùa nước nổi có nhiều ở đâu?
Khi mùa nước nổi mới về thì cá linh non sẽ xuất hiện rất nhiều ở khu vực đầu nguồn như An Phú, Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp) và Thốt Nốt (Cần Thơ). Đầu mùa thì thường giá cá ở mức cao và giảm dần cho đến cuối mùa.
Cá linh có chất thịt rất ngọt và tươi, còn hương vị thì đặc trưng không lẫn với những loài cá khác. Bạn có thể ăn được cả nguyên con kể cả phần vảy cá vì nó rất mềm và nhỏ. Cá linh càng non thì có vị càng ngọt, béo ngậy và không có xương. Cá linh rất mau chín nên có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon như nướng, kho, nấu lẩu…
Đặc biệt là khi đến cuối mùa, lượng cá linh nhiều thì người dân sẽ bắt đầu ủ mắm cá linh. Một loại mắm đặc sản của miền Tây có bán rất nhiều ở An Giang và Long An. Nếu có dịp về đây thì hãy thử thưởng thức loại mắm này hoặc mua về làm quà nhé.
Những món ăn hấp dẫn từ đặc sản Cá linh mùa nước nổi?
Lẩu mắm cá linh
Lẩu mắm cá linh là một món ăn chứa đựng nét tinh túy của ẩm thực miền Tây. Về miền Tây mùa nước nổi mà không thử món này thì thực sự là một điều đáng tiếc. Lẩu mắm cá linh được nấu khá cầu kì với rất nhiều các loại nguyên liệu. Bao gồm mắm cá, thịt ba rọi, tôm, các loại rau đồng và đặc biệt là cá linh. Cá linh phải là cá tươi sống, chế biến ngay sau khi đánh bắt lên thì mới đảm bảo tươi ngon đúng điệu.
Một nồi lẩu có vị đặc trưng của mắm, vị ngọt từ thịt, vị chát chát của bông điên điển, rau nhút, bông súng,… tất cả nguyên liệu kết hợp vào thì thực sự tuyệt vời. Bạn có thể ăn lẩu mắm cùng cơm nóng hay bún đều rất ngon.
Canh chua cá linh bông điên điển
Đặc sản miền Tây mùa nước nổi không chỉ có cá linh mà còn có bông điên điển. Hai loại đặc sản này kết hợp lại với nhau thì thực sự là đúng bài. Cá linh nhỏ cỡ ngón tay và bông điên điển tươi được làm sạch và để ráo. Tiếp theo là nấu một nồi canh chua với các gia vị theo công thức riêng, cuối cùng là cho cá và bông điên điển vào rồi thưởng thức.
Cái ngon đặc trưng và độc đáo của món này là nhờ vào vị chua chua của nước canh, vị thơm từ các loại rau, vị ngọt từ thịt cá và vị bùi chát của bông điên điển. Gắp một miếng cá cùng chút bông điên điển, chấm vào chén nước mắm ớt thì thực sự kích thích. Đảm bảo ai đã từng thử qua một lần thôi cũng sẽ nhớ mãi hương vị hấp dẫn này.
Cá linh chiên bột
Những con cá linh non tươi ngon sẽ được làm sạch và đem đi chiên bột. Từng con cá sẽ được nhúng trong lớp bột sền sệt kèm trứng, cho vào chảo dầu thật sôi và chiên cho đến khi cá vàng đều. Cá linh chiên bột ăn ngon nhất là cuốn trong bánh tráng kèm các loại rau sống, sau đó chấm vào chén nước mắm chanh tỏi ớt chua chua cay cay ngọt ngọt.
Những con có nhỏ xíu giòn rụm, thơm lừng cắn vô thôi là đã thấy đã miệng rồi. Miếng cá nóng hổi vừa thổi vừa ăn thì thực sự thích thú và ngất ngây lòng người. Món này có thể ăn chơi hoặc ăn cùng với cơm đều hợp.
Cá linh kho mía
Cá linh là loài cá đồng nên sẽ có mùi tanh đặc trưng của cá và để cá bớt mùi tanh này mà các chị các mẹ đã nghĩ ra món cá linh kho chung với mía. Món này chế biến cũng khá đơn giản. Cá làm sạch để ráo nước, ướp với nước mắm, bột ngọt, hành lá, ớt hiểm, tiêu… để một chút cho cá thấm. Cho cá lên bếp củi đến khi sôi thì hạ lửa, cho mía vào, đợi rút cạn nước là xong.
Về miền Tây mùa nước nổi, ngồi giữa những cánh rừng tràm, thưởng thức món cá linh kho mía cùng chút cơm nóng và rau đồng luộc thì tuyệt vời. Gắp miếng cá béo ngậy, vàng ươm thấm đẫm gia vị cho vào miệng thì cảm giác ngon không thể tả, cắn thêm vài cọng mía thì hương vị thơm ngon sẽ tăng thêm phần nào. Chỉ vậy thôi mà một chút là hết nồi cơm.
Cá linh kho tiêu
Cũng như kho với mía, cá linh kho với tiêu sẽ giúp cá bớt tanh ngoài ra còn giúp tăng thêm hương vị đậm đà của phần thịt cá. Cá linh kho tiêu ngon nhất vẫn là kho trong nồi đất và kho bằng bếp lửa. Cá sau khi làm sạch, bỏ phần ruột, để ráo, đem ướp với các loại gia vị cho thấm rồi bắt lên bếp kho. Kho đến khi nước sền sệt lại thì cho tiêu vào là xong.
Cá linh kho tiêu ăn chung với cơm nóng hay nguội đều ngon. Tùy khẩu vị của mỗi người mà kho mặn hay ngọt, nhưng đúng điệu của món này là phải mặn mặn chút mới bén cơm. Ăn kèm nhất định phải có bông súng, bông điên điển, dưa rau muống hoặc rau lang, rau nhãn lồng luộc.
Cá linh kho lạt
Cá linh kho lạt có lẽ là món cá linh kho dễ làm nhất, bởi đơn giản chỉ cần có cá linh tươi, các loại gia vị thông thường, nước dừa, tóp mỡ, hành lá là có ngay một nồi cá kho ngon. Cá làm sạch để ráo rồi cho vào nồi, đổ nước dừa vào, thêm nước mắm rồi kho liu riu cho đến khi gần cạn nước, cuối cùng là cho tóp mỡ và hành xắt nhỏ vào.
Cá linh kho thì lúc nào cũng phải ăn kèm với rau, các loại rau thì cũng đa dạng lắm như bông lục bình bóp giấm, bông súng, bắp chuối, rau luộc, dưa leo, bông điên điển… Chan thêm phần nước kho lên cơm mà ăn thì thôi ngon đúng điệu. Còn miếng có chút vị lạ lạ thì có thể vắt thêm miếng chanh hoặc dầm me vào chén cá kho là bao ngon.
Cá linh nướng
Nước nổi về tràn ngập ruộng đồng, quăng cái chài bắt mớ cá linh, đem lên bờ nướng, thưởng thức ngay tại chỗ thì đúng chất dân dã miền Tây. Cá linh đem nướng thì sẽ được thưởng thức nguyên vị ngon của cá. Chỉ cần rửa sạch cá, kẹp vào một cái cây rồi để lên bếp than nướng. Lật cá đều tay để cá không bị khét, khi da cá chuyển sang màu vàng và bốc mùi thơm thì là cá chín.
Cá linh để nướng thì phải là cá to một chút, nhiều thịt và ngọt tự nhiên. Cá linh nướng đem gói bánh tráng cùng các loại rau sống rồi chấm với mắm me. Độ dai thơm của da cá, ngọt béo của thịt, chát chát của rau đồng cùng với vị chua chua mặn mặn cay cay của mắm me thì đúng là sự kết hợp hoản hảo.
Mắm cá linh kho
Được làm từ những con cá linh của mùa nước nổi, mắm cá linh từ lâu đã trở thành đặc sản của miền Tây sông nước. Cá linh tươi được ướp với đường, muối, thính, cho vào hũ kín và ủ khoảng một tháng là lên men thành mắm.
Mắm cá linh có vị rất thơm ngon và đặc trưng, có thể đem chế biến thành nhiều món ăn, đặc biệt là mắm kho. Mắm cá linh nguyên con cho vào chảo, thêm tóp mỡ, tỏi, sả, ớt, cho lên bếp và bật lửa liu riu, đến khi sôi thì nhấc xuống. Mắm cá linh có hương vị thơm ngon đặc trưng, ăn kèm với chuối chát, các loại rau sống. Lâu lâu đổi món với mắm cá linh kho thì đảm bảo ăn hết sạch nồi cơm.
Mắm cá linh chưng
Ngoài món kho, thì mắm cá linh có thể đem chưng với trứng hoặc với thịt. Đây là một ăn ưa thích trong bữa cơm hàng ngày của người dân miền Tây. Mắm cá linh đem băm nhỏ, trộn chung với trứng, thịt, tiêu, hành, ớt, hạt nêm rồi cho vào một chén sành, đem đi hấp cách thủy.
Một chén mắm cá linh chưng đúng điệu phải được phủ lên trên một lớp trứng vàng bóng, phần nhân bên trong thì mềm xốp, ráo nước. Ăn vào phải xộc lên mũi mùi thơm của mắm, trứng, thịt trộn lẫn với nhau, pha thêm một chút mặn mặn và cay cay. Ăn kèm vẫn là các loại rau sống, chuối chát, bông súng… Thấy chén mắm làm đơn giản nhưng cực kỳ bén cơm và ăn mau hết lắm.
Hoài Nguyễn
Ảnh: Internet