Bánh tét Trà Cuôn từ lâu đã nổi tiếng khắp miền Tây vì hương vị thơm ngon, hấp dẫn cả hình thức lẫn hương vị. Bánh có lớp nếp ba màu bao bọc nhân đậu vàng ươm, vừa có thịt mỡ và trứng muối với đủ hương vị không lẫn vào đâu được.
>>> Tết này về Trà Vinh du xuân
Danh mục bài viết
Tại sao có tên gọi bánh tét Trà Cuôn?
Bánh tét vốn là một món ăn truyền thống của người miền Tây. Bánh tét có nhiều loại với những nguyên liệu khác nhau: nhân đậu xanh và thịt mỡ, bánh tét lá cẩm, bánh tét ngũ sắc, … Trong đó, nổi tiếng và đặc biệt nhất thì phải kể đến bánh tét Trà Cuôn được chế biến tại các cơ sở làng nghề bánh tét ở Trà Vinh.
Tên gọi bánh tét Trà Cuôn xuất phát từ nguồn gốc hình thành của món bánh đặc sản này. Bánh tét Trà Cuôn được tạo ra từ ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Đây là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống.
>>> Ghé thăm làng nghề bánh tét Trà Cuôn
Nguồn gốc bánh tét Trà Cuôn
Theo những người dân ở Trà Cuôn kể lại rằng, món bánh này xuất phát từ một gia đình người Khmer trong xóm. Từ những năm 1975, gia đình bà Thạch Thị Lết rất nghèo và đông con, quanh năm xoay sở đủ nghề nhưng vẫn vô cùng chật vật. Thấy vậy, bà Lết suy nghĩ ra món bánh kết hợp từ nhiều nguyên liệu gần gũi và còn để được lâu ngày. Bà quyết định gói bán cho những người bà con trong xóm. Nhờ vào việc bán những đòn bánh này mà cuộc sống gia đình bà Lết cải thiện rất nhiều, chăm lo được cho con cái.
Bánh tét Trà Cuôn khi ấy vẫn còn nhỏ, gọn, nhân bánh cũng đơn giản chỉ có nếp, đậu xanh và mỡ, bên ngoài bọc vài tấm lá chuối. Những người nông dân ở Trà Cuôn thường mua bánh để ăn trưa, đỡ tốn công chuẩn bị cơm đem theo. Từ đó, số lượng bánh bà Lết bán được ngày cành nhiều hơn. Nhiều người dân trong xóm thấy vậy cũng học nghề làm bánh tét, sau đó mở sạp kinh doanh giống bà Lết. Đến nay, làng bánh tét Trà Cuôn tồn tại hơn 40 năm và món bánh tét Trà Cuôn đã trở thành đặc sản nổi tiếng bậc nhất ở Trà Vinh.
Đặc sản bánh tét Trà Cuôn, mỗi đòn nặng hơn kí lô!
Bánh tét Trà Vinh thu hút du khách không chỉ ở hương vị, mà hình thức bên ngoài bánh cũng rất chất lượng. Mỗi đòn bánh chỉ dài hơn 1 gang tay nhưng lại có bề ngang rất đầy đặn, cầm rất chắc tay. Tính sơ sơ thì mỗi đòn bánh tét Trà Cuôn nặng hơn 1 kg. Việc bánh có cân nặng rất “khủng” này cũng có lí do riêng. Lúc mới ra đời, bánh tét ở ấp Trà Cuôn không to như thế, mỗi đòn được gói rất gọn, nhưng do dần dần công thức làm bánh hiện đại và phối trộn nhiều nguyên liệu hơn nên mới to như vậy.
Vậy nguyên liệu bánh tét Trà Cuôn gồm có những gì? Nguyên liệu cơ bản để làm bánh tét Trà Cuôn gồm: nếp, đậu xanh, thịt, trứng muối, lá chuối, gia vị… và được người làm lựa chọn rất kĩ càng. Nếp được chọn là loại nếp sáp Long An, màu xanh của bánh không phải từ lá dứa mà từ lá bồ ngót, đậu xanh to tròn đều, thịt heo được cắt thành miếng dài, góc cạnh vuông vức …
Điểm khác biệt của bánh tét ở Trà Cuôn là điểm nhấn khác biệt từ công đoạn chuẩn bị nguyên liệu và gói bánh:
Nhân bánh làm từ thịt ba rọi chứ không phải mỡ heo nên không bị ngấy.
Bánh tét tam vị hay ngũ vị được lấy từ màu tự nhiên từ rau củ quả: màu xanh lá từ bồ ngót, màu đỏ từ quả gất, màu tím từ lá cẩm, …
Nếp bánh không xào với nước cốt dừa mà chỉ cần vo sạch, để ráo rồi trộn với màu đã chuẩn bị sẵn.
Tùy theo vào loại bánh mà nhân bánh còn có thêm những nguyên liệu độc đáo khác: lạp xưởng, tôm khô.
>>> Khám phá rượu khổ qua Trà Vinh
Thưởng thức bánh tét Trà Cuôn
Chỉ cần cắt bánh tét Trà Cuôn, bạn đã có thể bị mê hoặc bởi hình thức bên ngoài: lớp nếp nhiều màu, dẻo thơm, đậu xanh vàng ươm, trứng muối đỏ rực, …. Đưa khoanh bánh lên miệng rồi cắn thử, bạn sẽ thấy vị dẻo mềm của nếp hòa quyện với cùng vị bùi của đậu xanh, lớp thịt ba rọi béo thơm, ăn hết một khoanh rồi lại muốn thêm khoanh nữa.
Có nhiều cách để thưởng thức bánh tét Trà Cuôn. Nếu về Trà Vinh, bạn có thể thử ăn bánh tét với thịt kho hột vịt làm tăng thêm hương vị đậm đà, rất đáng thử. Nếu ngại thịt kho hột vịt khiến bạn tăng cân thì hãy thử ăn cùng củ kiệu, làm tăng thêm cảm giác ngon miệng. Ngoài ra bạn cũng có thể ăn bánh tét cùng với chả lụa, hoặc đem chiên trước khi ăn cũng là những cách thưởng thức độc đáo của món bánh này.
Để tiếp tục khám phá những địa điểm du lịch nổi tiếng tại các tỉnh miền Tây, mời các bạn truy cập vào YouTube và Facebook nhé!