Không chỉ nổi tiếng với chợ nổi, hay những khu du lịch miệt vườn hoặc công trình kiến trúc cổ xưa đặc sắc mà ở Cần Thơ còn lưu giữ các làng nghề truyền thống mộc mạc, bình dị mang đậm văn hóa miền Tây sông nước. Dưới đây là 7 làng nghề truyền thống tại Cần Thơ không nên bỏ lỡ.
>>> 8 làng nghề thủ công truyền thống đặc sắc ở Miền Tây
Danh mục bài viết
1. Làng đan lọp Thới Long
Làng đan lọp Thới Long thuộc huyện Ô Môn là một địa điểm tham quan khá thú vị cho khách du lịch. Đến nơi này không những du khách có dịp biết nhiều hơn về một làng nghề của người dân miền Tây sông nước, mà còn biết thêm về xuất xứ và cách làm ra một chiếc lọp bắt cá đơn sơ nhưng cũng rất cầu kỳ. Qua đó, bạn sẽ thêm yêu quý người dân nơi đây rất hiếu khách, chất phác, tài năng và rất khéo léo.

Nghề đan lọp là nghề sản xuất dụng cụ để đánh bắt tôm, cá, cua,…rất quen thuộc của người dân miền Tây Nam Bộ. Người dân đan lọp quanh năm nhưng vào tháng 7 đến tháng 10 sẽ bận rộn. Do vào thời điểm này người dân bắt đầu vào mùa đánh bắt và thu hoạch thủy hải sản. Nhu cầu lớn nên thợ làm ai cũng nhanh tay để cho kịp đơn đặt hàng.

Tại đây có hơn 300 hộ gắn bó với nghề. Những chiếc lọp với đủ mọi kích thước được những bàn tay tỉ mỉ, khéo léo đan đừng cọc lạc thoăn thoắt, điệu nghệ của người dân làng Thới Long khiến khách tham quan không khỏi thích thú và thán phục.

Có dịp đến với làng nghề truyền thống ở Cần Thơ, bạn sẽ được tận mắt thấy một khung cảnh bình yên, mộc mạc của những căn nhà lọp lá đơn sơ, khắp nơi đâu đâu cũng trải đầy tre nứa. Chứng kiến nghệ nhân làm từng công đoạn từ vuốt tre, chẻ nan, đan lọp, dệt khung,… cho đến khi ráp lại hoàn thành một sản phẩm hoàn chỉnh mới thấy hết được sự vất vả và càng trân trọng nghề truyền thống này đến nhường nào.
2. Làng bánh tráng Thuận Hưng
Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt là địa điểm tham quan Cần Thơ rất thú vị, xuất hiện đã lâu đời với vài trăm lò làm bánh gần hai thế kỷ, bếp lúc nào cũng đỏ lửa và hàng nghìn bánh tráng thơm ngon đậm đà ra lò mỗi ngày.

Các sản phẩm đặc trưng của làng nghề có bánh lạt, bánh nem, bánh mặn và bánh dừa. Bánh mặn là bánh có để muối, do đó bánh sẽ dẻo và giữ được lâu hơn. Bánh lạt là loại bánh để cuốn rau sống, cá nướng, rau củ xào nếu muốn ngon hơn có thể chấm với nước mắm chua ngọt. Bánh nem là bánh có kích cỡ khá nhỏ. Bánh dừa là bánh có mè và có pha thêm nước cốt dừa.

Về Thốt Nốt, bạn sẽ được trải nghiệm và nếm thử những món bánh tráng của làng nghề nơi đây với đủ loại khác nhau. Dù đã truyền qua nhiều thế hệ nhưng nơi đây vẫn giữ được chất lượng và hương vị truyền thống hấp dẫn khó cưỡng. Mặc dù, có nhiều nơi sản xuất bánh tráng nhưng làng nghề bánh tráng truyền thống ở Cần Thơ này vẫn phát triển bởi mang hương vị riêng của miền Tây.
3. Làng hoa Thới Nhựt
Làng hoa Thới Nhựt ngụ tại phường An Bình, quận Ninh Kiều, với nhiều cây cảnh, loài hoa được nhiều người yêu thích như cúc, mai vàng, mâm xôi, hướng dương, cúc đồng tiền…Gần đây, làng hoa nhập vào nhiều giống hoa với nhiều màu sắc khác nhau làm cho sắc hoa ở đây càng phong phú hơn.

Nơi đây còn có tên là làng hoa Bà Bộ, đến đây du khách sẽ thấy hai bên đường đi những loài hoa đang được các cô các chú cắt tỉa chăm sóc cẩn thận và chu đáo. Dó đó khi du khách đặt chân đến làng hoa Thới Nhựt sẽ bị lạc vào khung cảnh lung linh rực rỡ với đầy màu sắc của hàng trăm loài hoa nơi đây.

Đặc biệt mỗi khi tết đến, mọi người thường diện những chiếc áo dài, áo bà ba đến đây để lưu lại những tấm ảnh mang sắc xuân, do đó nơi đây vào mùa tết khung cảnh trở nên nhộn nhịp và vui tươi đến lạ thường. Có dịp nào đó về với Cần Thơ bạn hãy ghé ngang làng hoa Thới Nhựt và thử ngắm nhìn vẻ đẹp của muôn sắc hoa nơi đây nhé.
4. Làng nghề chằm nón lá
Làng nghề chằm nón lá nằm ở ấp Thới Tân A. Nghề này có khoảng trên 70 năm, hiện nay đã thành lập được Nghiệp nghề với hơn 36 hộ sống với nghề. Để làm ra một chiếc nón hoàn chỉnh là cả một quá trình dài với rất nhiều khâu khác nhau từ làm khung, chuốt vành, đan lá, chằm nón… tất cả đều cần sự tỉ mỉ và khéo léo của người làm.

Từng chiếc nón luôn chứa đựng tâm huyết của nghệ nhân đặt vào trong từng mũi chỉ đường kim. Nón lá sau khi làm hoàn thành sẽ được quét một lớp mỏng dầu bóng pha với xăng nhằm tăng độ bóng, chống thấm nước, tăng độ bền cho sản phẩm.

Chiếc nón lá từ bao giờ đã trở nên thân thuộc, gần gũi đối với người dân vùng Nam Bộ. Qua bao thăng trầm của cuộc sống, chiếc nón lá vẫn được ưa chuộng, nó không chỉ đơn thuần dùng để che mưa, che nắng, nó còn là nét riêng đặc trưng của người miền Tây sông nước.

Nếu có dịp du lịch Cần Thơ bạn nhớ ghé thăm làng nghề chằm nón này, để có thể tận mắt nhìn thấy quá trình làm ra chiếc nón. Ngoài ra đó còn là dịp trò chuyện, giao lưu để hiểu hơn về cuộc sống mộc mạc, bình dị của người dân sông nước Miền Tây.
5. Làng lưới Thơm Rơm

Đến với làng lưới Thơm Rơm ở quận Thốt Nốt này bạn không những được đắm mình vào khung cảnh bình yên của làng quê, mà còn được tìm hiểu về cách làm lưới đầy thú vị.

Người dân tỉ mỉ, nhanh tay đan thoăn thoắt tạo nên những tấm lưới có mẫu mã đẹp, chắc, có độ bền và chất lượng. Do đó lưới nơi đây rất được người dân ưa chuộng mua về sử dụng. Để đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, hiện nay ngoài đan lưới những hộ dân nơi đây còn sản xuất ra nhiều dụng cụ đánh bắt khác như vó, chài, vèo, lú…

Sản phẩm nơi đây được ưa chuộng khắp miền Tây Nam Bộ, do vậy nghề lưới trở thành một nghề thu nhập chính nuôi sống biết bao thế hệ ở ngôi làng này. Nếu các bạn có đặt chân đến Cần Thơ hãy ghé thăm làng lưới Thơm Rơm, ghé thăm người dân nghĩa tình miền Tây này nhé.
6. Làng dệt chiếu Cái Chanh
Làng dệt chiếu Cái Chanh tọa lạc tại phường Thường Thạnh, TP. Cần Thơ, làng nghề này đã hình thành từ lâu đời được giữ gìn và duy trì. Nguyên liệu chính là cây lác (vùng nước mặn) và cây bố (vùng nước ngọt). Cây lát dệt chiếu bền, đẹp và chắc hơn.

Để dệt được chiếc chiếu hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ và có tâm với nghề. Nhờ gọn, bền, nhẹ, dễ mang đi và giá thành rẻ nên làng chiếu Cái Chanh được sử dụng rộng rãi và nổi tiếng ở Cần Thơ

Những tấm chiếu hoa đủ màu sắc được dệt thủ công bằng những bàn tay khéo léo, cần mẫn của những nghệ nhân nơi đây, đã tạo nên sản phẩm tuyệt đep và làm nên thương hiệu nổi tiếng tại Cần Thơ.

Hiện nay, do xã hội phát triển nên chiếc chiếu không được phổ biến nữa, những những người dân ở đây vẫn bám trụ theo nghề do họ muốn giữ lại một làng nghề truyền thống của quê hương.
7. Làng nghề truyền thống làm hủ tiếu ở Cái Răng
Cái Răng Cần Thơ không chỉ nổi tiếng với chợ nổi mà còn được biết đến với làng nghề làm sợi hủ tiếu vang danh khắp nơi ở miền Tây.

Mỗi hộ làm nghề sẽ có bí quyết gia truyền riêng trong từng công đoạn để tạo ra sợi hủ tiếu có hương vị đặc trưng màu trắng đục, đậm mùi gạo ngon. Các bước để làm ra một sợi hủ tiếu rất phức tạp. Nhưng quan trọng nhất là khâu chọn hạt gạo phải thon dài, trắng nõn. Tiếp theo là các công đoạn vo gạo, ngâm , gút, xay, bòng, đánh, cho vào lu nước quậy lấy tinh bột, tráng, phơi và công đoạn cuối cùng là cắt hủ tiếu thành sợi.

Du khách có thể đến tham quan để thấy hết được những công đoạn làm ra những sợi hủ tiếu thơm ngon. Mùi hương của gạo thoảng thoảng trong làng gió hòa với những gợn sóng lăn tăn của miệt sông nước hữu tình sẽ làm bạn khó mà quên được.
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về
Các bạn có thể vào xem các video về miền Tây tại youtube của bọn mình
Video về làm bánh tráng tại miền Tây tại đây nhé