Mỗi khi nhắc đến miền Tây, chúng ta lại nghĩ ngay đến những sản vật trù phú từ mẹ thiên nhiên ban tặng. Ở vùng sông nước này, các loại khô đặc sản miền Tây được du khách khắp nơi ưa chuộng. Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, số lượng cá để chế biến khô thành phẩm cũng vô cùng đa dạng, phong phú.
Danh mục bài viết
1. Khô cá lóc – Khô đặc sản miền Tây
Khô cá lóc là món ăn quen thuộc của người dân miền Tây. Từ rất lâu đời, khô cá lóc đã trở thành món ăn không thể thiếu của các gia đình ở miền sông nước. Cá lóc đồng vốn dĩ thịt đã rất ngon, ngọt. Khô cá lóc thành phẩm lại có thớ thịt dai nhẹ, thơm vị cá đồng đặc trưng.
Là một trong những món khô đặc sản ở miền Tây, khô cá lóc cũng có quy trình chọn lựa, chế bến khá kĩ càng. Để món khô ngon, người ta phải chọn lựa cá tươi, khỏe, không dị tật. Khâu lấy xương cá cũng là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo cao từ người chế biến. Với cái nắng miền Tây vừa độ, món khô này cần 3 đến 4 ngày để tạo thành phẩm.
Thông thường, khi thưởng thức món khô đặc sản miền Tây, người ta thường chiên bằng dầu hoặc nước trên than hồng. Cầu kì hơn, người chế biến có thể tạo ra thêm nhiều món ăn hấp dẫn khác như: khô cá lóc gỏi xoài, khô cá lóc rim chua ngọt, gỏi bông súng khô cá lóc,…
2. Khô cá tra phồng – Khô đặc sản miền Tây
Về Châu Đốc, An Giang, du khách không chỉ được thưởng thức các loại mắm thơm ngon, hấp dẫn, mà nơi này còn chiêu đãi mọi người với đặc sản khô cá tra phồng – loại khô đặc sản miền Tây nổi tiếng khắp khu vực. Chế biến và sản xuất khô cá tra phồng được xem như một nghề truyền thống của người dân nơi đây. Không những thế, đây được xem như là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh An Giang.
Để chế biến món khô độc đáo này, người ta thường chọn cá tra có trọng lượng từ 1-2 kg. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, 3 kg cá tra tươi sẽ cho ra 1 kg cá khô thành phẩm. Đối với món khô đặc sản miền Tây nổi danh này, khâu ướp cá đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi đây là bước quyết định độ phồng của khô.
Khô cá tra phồng vốn được ưa chuộng bởi cách chế biến đơn giản, màu sắc tự nhiên, không dùng phẩm màu. Thế nên hiện nay, cùng với các loại khô khác, khô cá tra phồng đang nằm trong top đầu những món khô miền Tây được du khách ưa chuộng nhất.
>>> 6 loại cá đồng miền Tây, đặc sản miền sông nước
3. Khô cá sặc – Khô đặc sản miền Tây ở Cà Mau
Khô cá sặc được biết đến như một đặc sản nổi tiếng ở vùng U Minh Hạ, Cà Mau. Nơi đây vốn được xem như chốn “rừng thiên nước độc” bởi địa hình vốn còn hoang sơ, trắc trở.
Cư trú ở vùng nước ít tài nguyên, thế nên cá sặc ở đây chỉ to không quá một bàn tay. Nhưng bù lại, thịt cá lúc nào cũng săn chắc, thơm ngon, ăn không bị bỡ hay ngán. Màu sắc khô cá sặc thành phẩm rất tự nhiên, không sử dụng phẩm màu nên nhận được sự ưa chuộng của nhiều thực khách.
Chế biến món khô cá sặc không cần quá nhiều gia vị. Bởi món khô này sẽ có vị mặn vừa phải, thịt dai dai mềm mềm rất dễ ăn. Có nhiều cách chế biến khô cá sặc khác nhau. Nếu muốn tăng độ hấp dẫn của món khô dân dã này, chúng ta chỉ cần chiên lên, rồi xé nhỏ khô trộn với xoài sống hay dưa leo, rưới lên ít nước mắm chua ngọt cho đậm đà là được.
4. Khô cá kèo – Khô đặc sản miền Tây
Cá kèo hay cá bống kèo, cá bống trắng là một trong những loài cá đặc trưng nổi tiếng ở miền Tây, đặc biệt là cá kèo đồng. Cá kèo khá nhỏ nhưng lại được ưa chuộng bởi thịt ngon ngọt, có mùi vị đặc trưng riêng.
Có thể nói, trong tất cả các loại khô, khô cá kèo có cách chế biến đơn giản nhất. Cá được chọn phải là những con còn tươi sống, bụng hơi trắng chứ không quá sẫm. Khi sơ chế cá, chỉ cần làm sạch lớp nhớt trên thân cá là được. Gia vị ướp khô không cần quá đậm đà, bởi lẽ, món ăn này sẽ chú trọng hơn về độ ngon ngọt của thịt cá. Cá kèo có kích thước nhỏ gọn, thế nên người làm chỉ mất khoảng 1 – 2 ngày đã có thể tạo ra thành phẩm.
Chế biến khô cá kèo không cần quá cầu kì. Khô chỉ cần nướng hoặc chiên lên, sau đó chuẩn bị thêm một chén mắm me chua ngọt là được. Thưởng thức khô cá kèo chấm mắm me, ăn kèm chung là cơm trắng nóng hổi thì còn gì bằng. Đến miền Tây, du khách dừng bỏ lỡ món quà từ thiên nhiên đáng quý này nhé!
5. Khô cá thác lác – Khô đặc sản miền Tây ở Hậu Giang
Khô cá thác lác là một trong những đặc sản miền Tây được rất nhiều du khách ưa chuộng. Cá thác lác được khai thác nhiều ở vùng sông nước. Tuy nhiên, chỉ khi nuôi ở Hậu Giang, cá thác lác mới đạt năng suất cao nhất và thịt cá mới dai và ngon hơn.
Khô cá thác lác còn được ưa chuộng bởi sự tiện lợi khi thưởng thức. Nhiều người ngại ăn khô vì sợ xương nhiều, nhất là đối với trẻ em. Khô cá thác thác khi sơ chế đã được rút hết toàn bộ xương bên trong thịt cá. Thế nên, món ăn này có thể dùng được cho mọi lứa tuổi.
Khô cá thác lác chỉ cần chiên vàng, chấm cùng mắm me hay tương ớt là đủ. Món khô đặc sản miền Tây này khá đặc biệt, bởi thịt cá chiên lên vừa dai dai, giòn giòn ăn rất hao cơm.
Các bạn đã cùng “Tui là người miền Tây” điểm qua 5 món khô đặc sản nổi tiếng nhất miền Tây. Nếu bạn yêu thích món ăn nào, hãy để lại cảm nhận của mình dưới bình luận của bài viết nhé!
Ghé thăm nhiều địa điểm du lịch và tìm kiếm các món ăn hấp dẫn khác ở miền Tây tại YouTube hoặc Facebook